KỸ THUẬT

SONG ĐÔI NGÂN HÀ

CÁCH CHỤP DẢI NGÂN HÀ VÀ CÁC CHÙM SAO

Nhiếp ảnh dải ngân hà (Milkyway Photography) là một thể loại ít người chơi bởi vì nó có rất nhiều rào cản gây khó khăn cho người chụp. Khác với startrails với những đường di chuyển của các vì sao, thì trong nhiếp ảnh dải ngân hà mình muốn những ngôi sao phải rõ ràng không di chuyển để chùm sao hiện nguyên hình và rõ nét.

Sau đây là những trở ngại và cách khắc phục. Nếu bạn kiên trì và siêng năng, chắc chắn bạn sẽ có được những bức ảnh dải ngân hà và sao như ý.

TRỜI TRONG VÀ CÓ NHIỀU SAO
Trong một tháng chỉ có khoản 1 tuần là ban đêm trời không có trăng, khi có trăng ánh sáng trăng quá sáng sẽ lấn án hết ánh sáng từ những ngôi sao li ti mờ mờ. Vì thế bạn phải theo dõi sơ đồ trăng để biết trăng mọc và lặn mấy giờ vào ngày nào thì mới lên kế hoạch được những ngày nào không có trăng. Nếu trăng không sáng lắm như trăng lưỡi liềm thì vẫn có thể chụp những chùm sao ở hướng đối diện cách xa trăng.

Dải ngân hà chứa đựng các vì sao nên bầu trời phải trong và có nhiều sao thì bạn mới mới có thể chụp được. Để đoán trước tình trạng sao, bạn có thể xem dự báo thời tiết, trời không mây hay ít mây vào ban đêm là thích hợp nhất. Nếu không cần dự báo thì bạn có thể thức dậy khoản 2 giờ sáng, nhìn lên bầu trời mà thấy trời trong nhiều sao là có thể chụp được. Ra đến điểm chụp thì bạn có thể chọn góc thích hợp để canh chùm sao vào kết hợp với tiền cảnh.

DỰ ĐOÁN TRƯỚC GIỜ VỊ TRÍ CỦA CHÙM SAO
Hiện nay có rất nhiều phần mềm thiên văn trên các Smartphone mà bạn có thể dùng để dự báo mấy giờ chùm sao nào sẽ xuất hiện ở vị trí nào. Trên iphone thi mình dùng app Star Walk để làm công việc này. Dự đoán trước giúp bạn hình dung được bố cục nó sẽ như thế nào cho góc ảnh bạn đã chọn, giúp việc canh bố cục đở mất thời gian hơn trong điều kiện trời tối như mực ở điểm chụp.

CHỌN GÓC CHỤP THÍCH HỢP
Cũng như các thể loại phong cảnh khác, nếu chỉ có sao thì ảnh sẽ rất bình thường không có gì đặc biệt. Vì thế bạn nên chọn địa điểm chụp có tiền cảnh để kết hợp với sao, tạo sự tương phản về khoảnh cách gần xa và về cả màu sắc, làm cho ảnh sao của bạn khác biệt với những ảnh sao khác.

CÔNG THỨC 500, 400 VÀ SỰ CHỐNG XOAY CỦA TRÁI ĐẤT
Trái đất lúc nào cũng xoay so với các vi sao, vì thế khi máy ảnh bạn khi chụp đủ lâu thì sẽ bắt đầu thấy sao kéo thành vệt dài cung theo vòng xoay của trái đất và làm mất hình dạng của chùm sao mà bạn cần chụp. Để chống lại hiệu ứng này, bạn cần tính ra tốc độ chụp tối ưu cho tiêu cự bạn dùng.

*** NẾU MÁY BẠN LÀ CROP THÌ LẤY TIÊU CỰ NHÂN HỆ SỐ CROP ĐỂ RA TIÊU CỰ TƯƠNG ĐƯƠNG FULL FRAME ***
Canon Crop = x 1.6
Nikon & Sony Crop = x 1.5
Máy 4/3 (Olympus, Panasonic….) = x 2.0

VD: Dùng lens Tokina 11-16 ở 11mm thì tiêu cự full frame tương đương của

Canon = 11 x 1.6 = 17.6 làm tròn = 18mm. Dùng 18mm để tính tốc độ chụp chống xoay bên dưới.
Nikon & Sony = 11 x 1.5 = 16.5 làm tròn = 17mm. Dùng 17mm để tính tốc độ chụp chống xoay bên dưới.
Máy 4/3 (Olympus, Panasonic….) = 11 x 2.0 = 22mm. Dùng 22mm để tính tốc độ chụp chống xoay bên dưới.

  • CÔNG THỨC CHỐNG XOAY 500 RỘNG RÃI
    Công thức này cho thời gian nhiều hơn, dể lấy nhiều ánh sáng hơn, nhưng khi phóng ảnh ra to vẫn thấy sao di chuyển ít nhưng vẫn đẹp.

    Thời gian chụp = 500/Tiêu cự lens (theo Fullframe)
    Ví dụ:
    500/tiêu cự lens 24mm = 500/24 = 20.8 làm tròn = 20 giây.
    500/tiêu cự lens 16mm = 500/16 = 31.2 làm tròn = 30 giây.
    500/tiêu cự lens 12mm = 500/12 = 41.6 làm tròn = 40 giây.

  • CÔNG THỨC CHỐNG XOAY 400 AN TOÀN
    Công thức này cho thời gian ít hơn, và có thể phải dùng ISO cao hơn, nhưng khi phóng ảnh to ra thì sao gần như không di chuyển rất đẹp.

    Thời gian chụp = 400/Tiêu cự lens (theo Fullframe)
    Ví dụ:
    400/tiêu cự lens 24mm = 400/24 = 16.6 làm tròn = 15 giây.
    400/tiêu cự lens 16mm = 400/16 = 25 làm tròn = 25 giây.
    400/tiêu cự lens 12mm = 400/12 = 33.3 làm tròn = 30 giây.

THIẾT BỊ THÍCH HỢP
TIÊU CỰ LENS
Tuỳ bạn muốn lấy hết chùm sao hay một phần, tiêu cự lens từ 24mm (trên Fullframe) đến rộng hơn là thích hợp nhất để kết hợp với tiền cảnh gần. Tiêu cự dài hơn thì thích hợp với trung cảnh hay hậu cảnh xa hơn. Nhưng vì tiêu cự có tỉ lệ nghịch với tốc độ chụp, nên bạn muốn tiêu cự càng rộng càng dể chụp hơn.

KHẨU ĐỘ F LENS
Khẩu độ càng lớn (số f càng nhỏ) thì cho phép bạn thu ánh sáng nhiều hơn, điều này cho phép bạn chụp với ISO thấp hơn và kết quả là chất lượng ảnh sẽ cao hơn vì ít noise.

Ví dụ một số lens rộng với khẩu lớn chụp sao tốt: Voigtlander 21 f/1.8, Samyang 24 f/1.4, Samyang 14 f/2.8.

CHẤT LƯỢNG CẢM BIẾN VÀ MẬT ĐỘ DIODE
Máy có sensor Fullframe hay lớn hơn thường ít bị noise hơn máy có sensor nhỏ hơn như máy Crop ASP-C hay 4/3.

Ngoài ra chất lượng noise của mổi sensor củng khác nhau. Thường là trên một kích cở sensor bằng nhau trong cùng một thế hệ thì sensor có độ phân giải ít hơn sẽ cho ra ảnh ít noise hơn.

Ví dụ máy có sensor fullframe và độ phân giải nhỏ tốt cho chụp sao: Sony a7S, Canon 1Dx, Nikon 4DS.

CHÂN MÁY VÀ REMOTE
Do phải chụp tốc độ phơi sáng chậm nên bạn cần phải có chân máy vững và remote (dây bấm hay không dây) để tránh cho máy bị rung khi chụp.

THÔNG SỐ
Tốc độ 40 giây (500/12), F/5.6 (lớn nhất cho lens này), ISO 6400, Custom White Balance 3800K, tiêu cự 12mm. Chụp lúc 4:16 sáng. Sony A7R với lens Voigtlander 12 f/5.6

Lấy nét ở tảng đá bên phải ở khoảng cách 1.2m theo Cách Lấy Nét Tối Ưu dùng live view phóng ra to nhất với sự hỗ trợ của chức năng peaking và đen pin trong điều kiện trời tối như mực.

ĐỊA ĐIỂM
Bãi đá đối diện Hải đăng Kê Gà, Bình Thuận.

ĐỘ PHƠI SÁNG
Với tốc độ chụp và khẩu độ f cố định, sau khi chụp xem histogram và dùng ISO để điều chỉnh độ phơi sáng.

Tham khảo: CÁCH TỐI ƯU HÓA ĐỘ PHƠI SÁNG VỚI HISTOGRAM

HẬU KỲ LIGHTROOM 5
Chụp file Raw, chọn 14 bit và Adobe RGB cho dãy sắc độ và dãy màu nhiều tối đa. Cân chỉnh ánh sáng cho khu vực dùng Grad ND, và Brush để giới hạn chỉ ở vùng cần xử lý. Cân chỉnh màu dùng White Balance và Tint trong Grad ND, và Brush cho từng khu vực để hạn chế ảnh hưởng đến từng vùng cần thiết.

Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp