ĐỊA ĐIỂM

REVIEW SONY A7C R – PHIÊN BẢN MINI A7R V

LỜI GIỚI THIỆU

Dòng máy chuyên độ phân giải cao R (resolution) đã tiến triển qua nhiều thế hệ từ 36mp, 42mp và đến hiện tại là 61mp. Sony đã từng bước tối ưu chất lượng, nhất là noise (nhiễu hạt) trong 10 năm qua từ 2013 với máy a7r đầu tiên. Mỗi đời máy mới là một sự cải tiến chất lượng mới, và điều có thêm chức năng mới, thường là chức năng cao cấp được nhỏ giọt xuống từ dòng máy cao cấp hơn. Điều này làm người dùng rất phấn khích mỗi khi Sony có một đột phá về công nghệ, vì biết rằng công nghệ mới đó sẽ sớm được tích hợp xuống dòng máy thấp hơn trong tương lai.

Sony A7C R chính là một máy tiêu biểu đó, thừa hưởng cảm biến độ phân giải cao 61mp và chip AI từ Sony a7rV. Sony a7c R là máy compact mới nhỏ gọn hơn và có giá thấp hơn.

Sony a7cR với Grip đi kèm

Sony a7cR với Grip đi kèm

SO SÁNH THÔNG SỐ KỸ THUẬT

Sony A7C R được định vị cao hơn Sony A7 IV và thấp hơn anh lớn Sony A7R V. Sau đây là bảng thông số kỹ thuật so sánh những chức năng quan trọng cho nhiếp ảnh. Đáng chú ý là Sony A7C R như là phiên bản Mini của A7R V vì cả hai điều dùng cùng một loại cảm biến 61 MP và chip AI riêng nên các chức năng liên quan đến cảm biến và AF gần như hoàn toàn giống nhau. Nên phần review liên quan đến cảm biến và AF AI cũng dành cho Sony A7R V.

Chức năng 7C R A7R V A7 IV
Ngày ra mắt 8/29/2023 26/10/2022 21/10/2021
Giá giới thiệu 69,990,000 đ 92,990,000 đ 59.990.000 đ
Độ phân giải cảm biến 61mp 61mp 33mp
Kích cở pixel 3.76 microns 3.76 microns 5.2 microns
Filter Low Pass khử răng cưa Không Không Không
Chống rung trên máy IBIS 7 stops 8 stops 5.5 stops
Độ phân giải siêu cao – Shift Pixel 240mp 240mp Không
Kích cở file RAW: Lossless Compressed/Uncompressed 80 MB /130 MB 80 MB /130 MB 40 MB /70 MB
Dynamic Range – Dải tần nhạy sáng 14.8 stop 14.8 stop 14.7 stop
Số điểm AF Phase Detection 759 693 759
Chip AI riêntg (trí tuệ nhân tạo) Không
Chụp liên tục màn trập cơ/điện tử 7 FPS / 8 FPS 10 FPS / 10 FPS 10 FPS / 10 FPS
Số ảnh liên tục với Compressed RAW (nhanh nhất) 36 ảnh (8 FPS) 583 ảnh (10 FPS) 424 ảnh (10 FPS)
Focus Stack Bracketing – tự động nhích điểm lấy nét 299 ảnh 299 ảnh Không
Tốc độ tối đa màn trập cơ 1/4000 1/8000 1/8000
Tốc độ tối đa màn trập điện tử 1/8000 1/8000 1/8000
Tốc độ Flash Sync 1/160 1/250 1/250
Đóng màn trập ngăn bụi khi tắt máy (để thay lens)
Chụp yên lặng (dùng màn trập điện tử)
EVF độ phân giải 2.36 M dots 9.44 M dots 3.69M dots
LCD kích cở x độ phân giải 3.0 in x 1.04M dots 3.2 in x 2.1 M dots 3.0 in x 1.04M dots
LCD cách xoay Ngang + lên xuống riêng Ngang + lên xuống kết hợp Ngang + lên xuống riêng
Touchscreen + Touch AF
Thẻ nhớ 1 SD (UHS-II) CF-A hoặc SD (UHS-II) CF-A hoặc SD (UHS-I/II)
Thẻ nhớ 2 Không CF-A hoặc SD (UHS-II) SD (UHS-I/II)
Hổ trợ Remote Timer rời Không
Remote Timer tích hợp trong Menu máy Không
Weather Sealing – Chống thời tiết Có (nấp pin không có ron cao su) Có đủ Có đủ
Bluetooth và Wifi
Pin/Dung lượng ảnh NP-FZ100 / 520 ảnh NP-FZ100 / 530 ảnh NP-FZ100 / 580 ảnh
Bán kèm bộ sạc pin rời trong hộp Không Không
Trọng lượng máy với pin 515 g 723 g 659 g
Kích thước (LxHxD) 124 x 71 x 63 mm 131 x 97 x 82 mm 131 x 96 x 80 mm

DANCES OF THE WAVES (Vũ điệu của sóng) 1s f/5.6 ISO 500. Sony a7cR + Sony 16-35 GMII @ 16mm (Cổ Thạch, Bình Thuận)

DANCES OF THE WAVES (Vũ điệu của sóng) 1s f/5.6 ISO 500. Sony a7cR + Sony 16-35 GMII @ 16mm (Cổ Thạch, Bình Thuận)

VÌ SAO BẠN CẦN 61MP?

Ngoài lý do thông dụng như in ấn được kích cở to lớn như tranh treo tường và quảng cáo bảng thì độ phân giải lớn còn rất có ích cho nhiều lĩnh vực khác dưới đây.

Nhân tiêu cự với Crop Mode

Mình đã dùng dòng máy ảnh với độ phân giải cao từ những năm đầu có mặt trên thị trường. Nhưng mãi đến khi mình đến Hokkaido chụp các loại chim cò (sếu và đại bàng đang bay) thì mới thấy được lợi ích quan trọng của độ phân giải cao.

Khi đi chụp ảnh xa việc mang theo thiết bị tối ưu cho trọng lượng là thiết yếu. Nên thường mình chỉ mang theo ống zoom Sony 100-400 f4.5-5.6 GM vì nó nhỏ gọn. Lúc chụp chim đang bay, tốc độ cần phải cao trung bình từ 1/1000s – 1/1600s mới bắt được chuyển động sắc nét. Ở 400mm và f5.6 thì ISO đã tầm 1200-2000 rồi, tùy mức độ ánh sáng. Nếu mình muốn tăng lên tương đương 600mm thì có 3 lựa chọn sau.

  1. Tăng tiêu cự với Teleconverter 1.4
    Tiêu cự đạt được là 560mm (400 x 1.4), f-stop bị giảm 1 stop từ f5.6 còn f8. Vấn đề gặp là ở f8 thì ISO cần phải tăng từ 2400-4000 mới duy trì được tốc độ từ 1/1000s – 1/1600s để chim không bị rung lúc đang bay. ISO trên 2400-4000 sẽ tăng noise, và việc dùng qua Teleconverter cũng làm giảm độ nét và tốc độ lấy nét. Ngoài ra f8 có trường ảnh sâu rõ hơn f5.6 làm cho chim không nổi bật, phông không đủ độ mịn màng làm giảm tính thẩm mỹ của ảnh. Nên sau khi thử phương pháp này mình nhanh chóng loại bỏ trong 1 thời gian ngắn sau đó. Nếu dùng Teleconverter 2.0 thì sẽ giảm 2 stop từ f5.6 còn f11 thì ISO càng quá cao, trường ảnh sâu quá và chất lượng ảnh sẽ giảm nhiều hơn nữa nên mình loại bỏ TC 2.0 ngay từ khái niệm đầu.

  2. Chụp trước rồi crop sau
    Bạn có thể chụp ảnh ở tiêu cự 400mm như thường và sau đó crop lại khi xử lý ảnh để đạt được độ phóng đại và bố cục chặt tương đương với 600mm. Do chim quá nhỏ trên khung ảnh, nên chi tiết không nhìn thấy rõ cho việc theo dõi (tracking) để bắt từng khoảnh khắc và biết chắc chắn rằng AF lấy nét đúng vào mắt chim. Vì thế nên mình thường dùng phương pháp crop trước để chụp chim và crop sau để chụp phong cảnh nhiều hơn khi mình chưa nhận ra rõ bố cục như thế nào lúc chụp. Ứng dụng thực tế cho phương pháp này hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với phương pháp dùng Crop Mocde sau đây với kinh nghiệm của mình.

  3. STELLER'S SEA EAGLE CATCHING FISH (Đại bàng bắt cá) 1/2000s f5.6 ISO 8000. Sony 100-400 F4.5-5.6 @400mm. Hokkaido, Japan.

    STELLER’S SEA EAGLE CATCHING FISH (Đại bàng bắt cá) 1/2000s f5.6 ISO 8000. Sony 100-400 F4.5-5.6 @400mm. Hokkaido, Japan.

    Ví dụ: Crop để bố cục lại sau khi nhận ra lúc xử lý ảnh.

    1/40s f16 ISO 800 Sony A7C R + Sony 70-200 f4 G2. Đèo Ô Quy Hồ Sapa.

    1/40s f16 ISO 800 Sony A7C R + Sony 70-200 f4 G2. Đèo Ô Quy Hồ Sapa.

  4. Crop Trước Với Crop Mode
    Tiêu cự đạt được là 600mm (400 x 1.5), f-stop không bi giảm nên vẫn là f5.6. Tuy nhiên độ phân giải 61MP giảm xuống còn 26MP vì ở chế độ này, máy chỉ dùng diện tích nhỏ hơn chứ không hết 100% của cảm biến full frame. Nên cái mất ở đây chỉ là độ phân giải và 26MP đã hơn nhiều máy chụp chim chuyên nghiệp với chỉ 24MP. Các thông số khác không bị ảnh hưởng như f5.6, ISO và tốc độ. Nên đây là một giải pháp tuyệt vời khi bạn cần dùng tiêu cự dài hơn.

  5. Ví dụ: 600mm ở Crop Mode từ lens 400mm

    DANCES OF CRANES (Vũ Điệu Của Sếu) 1/1000s f/5.6 ISO 400 WB 5700K. Sony 100-400 f4.5-5.6 @400mm. Hokkaido, Japan.

    DANCES OF CRANES (Vũ Điệu Của Sếu) 1/1000s f/5.6 ISO 400 WB 5700K. Sony 100-400 f4.5-5.6 @400mm. Hokkaido, Japan.

Siêu độ phân giải với Pixel-shift

Nếu 61MP chưa đủ đối với bạn cho một số công việc đặc biệt như sao chép chi tiết nghệ thuật (tĩnh vật trong studio) hay kiến trúc không người thì tính năng Pixel Shift này cho phép bạn tạo ra file ảnh cuối cùng lên đến 240MP. Chức năng này dùng khả năng chống rung của cảm biến để dịch chuyển từng pixel và chụp ra nhiều ảnh. Sau đó tất cả được kết hợp lại trên phần mềm Imaging Edge của Sony (tải miễn phí) để tạo ra file ảnh siêu độ phân giải với chi tiết và màu sắc chân thực cao độ ngay cả ở độ phóng to 100%.

FIRST RAYS OVER TERRACES (Tia Nắng Trên Nương)  1/1000s f/8 ISO 500 WB 5200. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 109mm. Háng Đăng Dê, Mù Cang Chải, Yên Bái 6:30 AM.

FIRST RAYS OVER TERRACES (Tia Nắng Trên Nương) 1/1000s f/8 ISO 500 WB 5200. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 109mm. Háng Đăng Dê, Mù Cang Chải, Yên Bái 6:30 AM.

CHẤT LƯỢNG ẢNH CHI TIẾT CAO

Độ phân giải 61MP cho ra ảnh to bậc nhất trong dòng full-frame 35mm ở thời điểm hiện tại. Độ phân giải cao thể hiện được những chi tiết rất nhỏ mà khi phóng to ra 100% pixel mới thấy hết được.

Tuy nhiên để khai thác tối đa độ phân giải cao thì bạn cần cập nhật thêm vài kỹ thuật sau. Lý do đơn giản là cùng 1 kích cỡ cảm biến 35mm, 61MP có mật độ pixel nhiều hơn so với 24MP hay 33MP. Mật độ cao gây ảnh hưởng đến độ mờ nét với cùng một độ rung và trường ảnh DOF. Ngoài ra độ phơi sáng (exposure) theo histogram cũng cần thay đổi. Sau đây mình sẽ phân tích từng phần để giúp bạn khai thác hết tiềm năng của cảm biến này.

First Light In Terraces (Nắng Sớm Trên Nương) 1/124s f/8.0 ISO 400 WB 6450K. Sony A7C R + Sony 70-200 G II @ 96mm. Háng Đăng Dê, Mù Cang Chải, Yên Bái 6:21am

First Light In Terraces (Nắng Sớm Trên Nương) 1/124s f/8.0 ISO 400 WB 6450K. Sony A7C R + Sony 70-200 G II @ 96mm. Háng Đăng Dê, Mù Cang Chải, Yên Bái 6:21am

Crop100% pixel thể hiện chi tiết sắc sảo của file ảnh 61MP.

Crop100% pixel thể hiện chi tiết sắc sảo của file ảnh 61MP.

CÙNG MỘT ĐỘ RUNG 61MP THẤY MỜ NÉT HƠN

Giả sử 2 máy đều bị rung ở một độ rung cố định làm cảm biến di chuyển lên xuống 0.1mm (100µm). Ta có thể tim ra số lượng pixel bị mờ nét do bị dịch chuyển 0.1mm như sau.

Cảm biến 24MP có kích cỡ pixel 5.93µm, 100/5.93 = 16.8 pixel làm tròn 17pixel.
Cảm biến 61MP có kích cỡ pixel 3.76µm, 100/3.76 = 26.6 làm tròn 27 pixel

Cùng một độ rung ảnh hưởng trên cùng 1 kích cỡ cảm biến full-frame, thì độ phân giải càng cao, càng có nhiều pixel bị ảnh hưởng làm mờ nét, trên cùng một kích cỡ và khoảng cách xem như màn hình. So sánh như trên chúng ta ảnh của 61MP bị mờ nét hơn 58% so với 24MP. Biết điều này bạn nên thường xuyên kiểm tra độ nét khi chụp và tăng tốc độ chụp nhanh hơn nếu trên chân máy, và/hoặc ứng dụng chế độ chống rung IBIS của Sony nếu không thể tăng ISO hay mở khẩu.

TRƯỜNG ẢNH DOF VÀ KHOẢN CÁCH LẤY NÉT TỐI ƯU

So với 24MP thì 61MP cũng có DOF cạn hơn cho cùng một kích cỡ và khoảng cách xem ảnh. Vì thế thông số khoảng cách lấy nét tối ưu trong kỹ thuật chụp phong cảnh cho rõ nét từ gần đến vô cực cũng phải thay đổi. Sau đây mình đã chuẩn bị bảng lấy nét tối ưu rút gọn cho cảm biến 61MP cùng với các cảm biến thông dụng nhỏ hơn để bạn so sánh và tham khảo.

Kỹ thuật lấy nét tối ưu (Hyperfocal Distance) là kỹ thuật lấy nét vào một điểm theo khoảng cách từ vị trí máy. Phương pháp này cho ra trường ảnh sâu, và độ nét rõ từ gần đến vô cực. Lấy nét tối ưu chỉ ứng dụng với tiêu cự ống kính rộng tự 25mm trở xuống.

KHOẢNG CÁCH LẤY NÉT TỐI ƯU CHO 61MP

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-13mm f/8 1.0m..1.3m
14-18mm f/11 1.4m..1.8m
19-26mm f/16 1.9m..2.6m

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-13mm f/5.6 1.0m..1.3m
14-18mm f/8 1.4m..1.8m
19-25mm f/11 1.9m..2.5m

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-14mm f/5.6 1.0m..1.4m
15-20mm f/8 1.5m..2.0m
21-28mm f/11 2.1m..2.8m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-17mm f/5.6 1.0m..1.7m
18-24mm f/8 1.8m..2.4m
28mm f/11 2.8m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-18mm f/5.6 1.0m..1.8m
20-28mm f/8 2.0m..2.8m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-21mm f/5.6 1.0m..2.1m
24-28mm f/8 2.4m..2.8m

Cách dùng: Ví dụ tiêu cự ống kính 16mm, theo bảng là từ 14-18mm thì bạn dùng f/11 và lấy nét vào chủ thể trong khung ảnh (như khối đá) và dời vị trí máy sao cho cách khoảng tầm 1.6m (có thể hơn nhưng không thể thiếu). Như vậy ảnh sẽ rõ từ khoảng 0.8m đến vô cực. Số tiêu cự bao nhiêu là lấy nét bao nhiêu mét, 14mmm là 1.4m, 18 là 1.8m, 20mm là 2.0m và vv….

HISTOGRAM VỪA CHẠM PHẢI TỐI ƯU VÙNG SÁNG

Sau nhiều buổi chụp với 61MP mình nhận ra vùng sáng (bên phải của histogram) được tối ưu với nhiều chi tiết nhất là khi histogram chỉ vừa chạm phải của khung biểu đồ và không được leo lên cạnh phải. Mỗi cảm biến có độ tối ưu khác nhau, vi du Sony a7r III tối ưu khi leo lên cạnh phải 1mm.

Khi chụp cảnh có sương hay mây luồn chiếm phần lớn khung ảnh, thì histogram thường hiện ra ngắn, tạo khoảng cách ở 2 đầu của histogram. Trường hợp này bạn không cần thiết phải chạm cạnh phải vì sẽ làm vùng sáng histogram quá sáng và dể bị cháy sáng chi tiết. Gần chạm với độ sáng vừa đủ mà bạn không cần phải làm sáng nó thêm là tối ưu cho thể loại này trên máy 61MP.

Histogram vừa chạm cạnh phải và chưa leo.

Histogram vừa chạm cạnh phải và chưa leo.

SẮC NÉT HƠN VÌ KHÔNG CÓ LOW PASS FILTER

Cảm biến 61MP của A7C R và A7R V không dùng filter low pass, một lớp filter trên mặt cảm biến để chống hiệu ứng răng cưa như khi chụp vãi có sợi, tạo hiệu ứng răng cưa. Filter này cũng đồng thời làm giảm độ nét nguyên thủy của cảm biến. Nên không có filter low pass độ nét của 61MP sắc nét hơn khi so với máy 24MP có gắn filter low pass. Ngoài ra mật độ 61MP cao nên hiệu ứng này cũng giảm đi khá nhiều, nếu bạn không chụp vãi hay vật thể có chi tiết nét tượng tự thì không là vấn đề.

DYNAMIC RANGE CAO HÀNG TOP TRÊN THỊ TRƯỜNG

Từ lúc Sony đột phá trong nghiên cứu và phát triển ra được cảm biến ảnh tốt nhất trên thị trường vượt qua Canon, thì nhiều thương hiệu máy ảnh khác mua dùng hoặc và nhờ Sony gia công cảm biến theo thiết kế cho dòng máy của họ. Những thương hiệu nổi tiếng này bao gồm Nikon, Fujifilm, Leica, Hasselblad, Pentax và Phase One. Trong ngành chỉ có Sony và Canon là có nhà máy cảm biến riêng, các thương hiệu còn lại phải mua lại từ nhà sản xuất cảm biến khác, mà hiện tại Sony đứng đầu thế giới về ngành này. Vì lý do này, công nghệ cảm biến về dynamic range của những hãng này như nhau cho cùng một thế hệ cảm biến, từ 14.7 stop đến 14.8 stop ở thời điểm hiện tại, nên mình không có gì để so sánh với nhau.

NOISE VÀ CÁCH TỐI ƯU CẢM BIẾN 61MP


Cùng một kích cở cảm biến, độ phân giải càng cao, thì kích cở pixel càng nhỏ (ví dụ 61MP có kích cở pixel là 3.76µm so với 5.93µm của 24MP.) Pixel càng lớn càng thu được nhiều ánh sáng và càng ít noise. Noise sẽ thể hiện rõ nhất khi chụp ảnh ở điều kiện ánh sáng yếu như bình minh hoàng hôn hay chụp trời đêm như sao đêm hay dải ngân hà. Nếu thữ noise mà chụp ban ngày thì máy nào nhìn cũng thấy tốt cả.

Trước khi Adobe cập nhật giải mã RAW cho Lightroom và Photoshop Camera Raw thì mình phải tạm dùng file TIFF xuất ra từ phần mềm Sony Imaging Edge và kết quả làm mình thất vọng. Nhưng may thay không lâu sau đó thì Adobe cập nhật giải mã RAW cho A7C R (và A7R V). Chất lượng ảnh về noise sau đó đã chinh phục mình một cách hoàn toàn. Ảnh ISO cao rất mịn màng đến kinh ngạc. So với file 42MP từ A7R III quen thuộc mà mình đã dùng hơn 6 năm thì noise của file 61MP này còn sạch và mịn hơn cho dù độ phân giải đã tăng hơn đến 45%. Đây là một thắng lợi cho bạn sở hữu máy có cảm biến Sony 61MP này (A7C R & A7R V.)

Series ảnh bên dưới chưa được xử lý gì ngoài giải mã từ RAW ra jpeg và png (chụp lại màn hình Lightroom).

_DSC3752-Edit

ISO400 ISO1000 ISO3200 ISO4000


Lưu ý: Để xem chính xác 4 ảnh chi tiết dưới đây, bạn nên điều chỉnh độ zoom của trình duyệt về 100% để xem pixel được trung thực nhất. Windows thì giữ nút Ctrl + nút + hay -. Mac thì thay Ctrl với nút Command.

CÁCH GIẢM NOISE

  1. Chụp tối ưu độ phơi sáng vừa chạm cạnh phải như mình đã chia sẽ ở phần Histogram ở trên.
  2. Không đẩy sáng vùng tối, thay vào đó chụp tối ưu histogram, nếu cần thiết dùng đèn chiếu thêm vào (fill) khi có thể
  3. Hướng ảnh sáng ảnh hưởng đến noise:
    • Ánh sáng nghịch: Là hướng có độ tương phản cao nhất, vùng tối có nhiều noise nhất, và nhất là khi bạn phải làm sáng vùng tối đó.
    • Ánh sáng ngang: Là 2 hướng từ trái hay phải, sẽ cho rất tốt, rất ít noise. Đây là 2 hướng mình thích nhất vì ánh sáng vừa 3D đẹp và vừa ít noise.
    • Ánh sáng thuận: Hướng này ánh sáng phũ đều nhất và tất nhiên mịn màng nhất, tuy nhiên ảnh sẽ rất phẵng và không 3D như ánh sáng ngang.
  4. ISO càng cao càng nhiều noise, trên thực tế thì mình ít khi dùng ISO trên 4000 và trong khoảng này cảm biến 61MP đã đáp ứng gần như tất cả những yêu cầu kỹ thuật của mình. Nên không có gì để bận tâm.
  5. Khử noise với Lightroom Denoise: Denoise là một công cụ mới trong Lightroom 2023 dùng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để khử noise cực kỳ hiệu quả. Trong Lightroom bạn vào Module Develop, kéo xuống đến mục Detail, bên trong sẽ có phần Noise Reduction và công cụ Denoise ở đó. Cách dùng đơn giản, bạn chỉ cần click vào chữ Denoise… và điền vào số phần trăm (mình dùng 30%) cho ảnh cover với chi tiết 100% bên dưới. Chất lượng sau khi xử lý đẹp xuất sắc, mình gần như không thấy ảnh bị mờ đi như các công cụ khủ noise truyền thống (không AI) như trước đây. Denoise chạy trên máy mình mất 15 phút cho ảnh cover. Máy bạn có thể nhanh hay chậm hơn tùy cấu hình và chi tiết của ảnh cần xử lý.

Công cụ Demoise...

Công cụ Demoise…

11.11.2023_09.40.39_REC

TRƯỚC DENOISE Ảnh có noise

TRƯỚC DENOISE Ảnh có noise

SAU DENOISE Ảnh mịn màng

SAU DENOISE Ảnh mịn màng

TWO REALMS (Hai Tầng Thế Giới)  1/8s f/5.6 ISO 2000 WB 6500K. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 70mm. Cầu Đất, Đà Lạt 5:19 AM.

TWO REALMS (Hai Tầng Thế Giới) 1/8s f/5.6 ISO 2000 WB 6500K. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 70mm. Cầu Đất, Đà Lạt 5:19 AM.

CHIP AF RIÊNG TIẾP TỤC NÂNG CAO AF VÀ TRACKING


Chip AI riêng chuyên dụng trên A7C R

Chip AI riêng chuyên dụng trên A7C R

Là chip vi xử lý riêng dùng để nhận diện chủ thể chính xác và nhanh chóng. Chip AI trên Sony A7C R (và A7R V) có khả năng nhận ra người, bắt đầu từ nhận dạng thân thể qua dáng và tư thế (pose) khác nhau. Kế đến là đầu và mặt người và cuối cùng là lấy nét tự động vào mắt gần nhất. Nên trong lúc chủ thể di chuyển qua vật bị che mặt hoặc ở tư thế không thấy mặt thì AI vẫn nhận ra đó là người và sẵn sàng lấy nét vào mắt khi mặt quay trở về máy ảnh.

Với công nghệ mới này, Chip AI giúp bạn lấy nét rất nhanh và chính xác kể cả khi người hiện diện nhỏ trong khung ảnh, và cùng với loại chủ thể khác như bác chèo thuyền với chú chó cưng trong ảnh cover. Sự ưu tiên loại chủ thể có thể thiết lập trong menu function (nút fn) hay trong menu chính của máy. Ngoài nhận diện, chip AI riêng giúp theo dõi chủ thể đang di chuyển (tracking) như chim đang bay và duy trì độ lấy nét chính xác liên tục trong hành trình.

Thật yên tâm khi bạn không còn phải lo lắng về lấy nét nữa, mà chỉ thảnh thơi sáng tác nghệ thuật như canh bố cục và bắt hết những khoảnh khắc đẹp nhất. Sau khi bật chức năng lấy nét liên tục AF-C (on) là máy Sony A7C R sẽ bắt đầu tìm chủ thể và lấy nét vào mắt liên tục cho bạn.

AF AI phân biệt người chèo thuyền và chú chó cưng, nhận diện và lấy nét vào người chính xác và liên tục dù người đang nhìn qua phía sau.

AF AI phân biệt người chèo thuyền và chú chó cưng, nhận diện và lấy nét vào người chính xác và liên tục dù người đang nhìn qua phía sau.

Sau đây là bảng so sánh khả năng nhận diện chủ thể của 3 máy Sony A7C R, A7R V và A7 IV.

Khả năng nhận diện AF 7C R A7R V A7 IV
Có chip AI Không
Người Mặt, Đầu, Mắt, Thân (với dự đoán dáng) Mặt, Đầu, Mắt, Thân (với dự đoán dáng) Mặt/Mắt
Thú Thân, Đầu, Mắt Thân, Đầu, Mắt Mắt
Chim Thân, Đầu, Mắt Thân, Đầu, Mắt Mắt
Côn trùng Không
Tàu hỏa Không
Máy bay Không
Ô tô Không

Ngoài AF và tracking ra, chip AI còn hổ trợ cải tiến nhiều chức năng khác của máy như tính toán độ phơi sáng, white balance một cách chính xác hơn và nhanh hơn.

FALL FISHING (Vó Cá Hồ Thu)  1/1250s f/4.0 ISO 1000 WB 4250K. Sony a7cR + Sony 70-200 F2.8 GM II @ 200mm. KDL Suối Tía, Đà Lạt 6:07 AM.

FALL FISHING (Vó Cá Hồ Thu) 1/1250s f/4.0 ISO 1000 WB 4250K. Sony a7cR + Sony 70-200 F2.8 GM II @ 200mm. KDL Suối Tía, Đà Lạt 6:07 AM.

THIẾT KẾ NHỎ GỌN NHƯNG CHẮC CHẮN

So với DSLR, dòng máy full fame tiêu chuẩn của Sony đã nhỏ gọn hơn rất nhiều. Với dòng Compact full frame này (C là Compact) kích cở thân máy và trọng lượng còn giảm thêm một bậc nữa, chỉ tương đương với dòng máy crop nhỏ (ASP-C) thôi. Sự nhỏ gọn là tiêu chí của ban đầu khi Sony mới vào thị trường và cũng một trong những lý do mà mình chọn Sony.

Trong mỗi chuyến bạn muốn mang đầy đủ hết các ống kính có thể để không thiếu tiêu cự khi cần. Nhiều khi cân lượng sách tay lên máy bay (carry-on) quá mức cho phép và gặp hãng hàng không khó bắt buộc bạn phải phải gởi hành lý ký gởi (check-in). Đây là điều rất lo ngại vị có thể bị va đập, thất lạc hay bị mất. Nên mình lúc nào cũng cố gắng tối ưu nhất có thể để tuân thủ đúng quy định của mỗi hãng trong toàn chuỗi hành trình bay. Sự gọn nhẹ làm giảm thiểu rủi ro mất thời gian và sự lo lắng.

Khi leo núi hay đi bộ trekking đường dài nhiều giờ thì mỗi 100g giảm đi, đều trở nên đáng kể giúp giảm đi sự mệt nhọc trên cung đường. Ngoài ra máy và lens nhỏ gọn giúp bạn thao tác lấy ra vào ba lô nhanh chóng không bỏ lỡ khoảnh khắc khi cần.

SonyA7CR-Design

NHỮNG GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Sony A7C R có Grip đi kèm

Grip làm phần tay cầm to hơn, hữu ích cho bạn có bàn tay lớn hay thích tay cầm lớn để có cảm giác vững vàng hơn. Do mình thích gọn nhẹ và gần như lúc nào cũng gắn máy lên chân máy (tripod) nên không cần dùng đến grip này. Ngoài ra mặt grip có lớp cao su mỏng sẽ giúp bịt kín đáy máy và nấp pin giúp hạn chể thêm rủi ro nước vào như khi bị sóng biển đánh từ dưới lên.

Grip đi kèm Sony A7C R. Sony A7C II không có kèm grip này.

Grip đi kèm Sony A7C R. Sony A7C II không có kèm grip này.

Sony A7C R có Bulb timer tích hợp

Khác với các máy dòng full frame tiêu chuẩn, Sony A7C R không có ổ ghim Multi / Micro USB Terminal nên không dùng được những loại remote timer đang có mặt trên thị trường. Remote timer dùng để hẹn giờ phơi sáng lâu thông qua ổ ghim này. Thay vào đó máy được tích hợp chức năng Bulb timer ngay bên trong menu chính. Tuy nhiên để chống rung khi bạn bấm máy, thì cần dùng thêm chế độ timer 2s hay 5s đợi (delay) trước khi máy tự động chụp.

BulbTimer

Focus Bracketing cho Focus Stacking

Là chức năng chụp tự động nhiều tấm theo thông số bạn thiết lập bao gồm điểm lấy nét bắt đầu, số tấm chụp và khoảng cách ngắn hay rộng giữa mỗi tấm. Chức năng này rất hữu dụng khi chụp ảnh macro với trường ảnh (DOF) rất ngắn, chụp nhiều tấm với điểm lấy nét từ đầu đến vô cực giúp chủ thể rõ nét hết toàn thân. Trong phong cảnh, đôi lúc khi tiền cảnh quá gần thì bạn cũng cần chụp 2-3 tấm để đủ trường ảnh rõ từ gần đến vô cực.

Focus Stacking với chức năng Focus Bracketing.

Focus Stacking với chức năng Focus Bracketing.

Time-lapse

Là chức năng chụp tự động nhiều tấm theo chu kỳ. Như bạn muốn chụp toàn buổi bình minh hoàng hôn hay toàn bộ quá trình hoa nở. Sau đó bạn có thể ghép thành 1 video để chiếu lại toàn bộ hành trình.

Time -lapse

Time -lapse

Đóng Shutter mỗi khi tắt máy

Chức năng này khi bật lên trong menu sẽ tự động đóng màn trập xuống khi bạn tắt máy. Điều này rất hữu ích khi bạn thay thay ống kính ngoài thiên nhiên vì nó hạn chế bụi bám vào cảm biển.

Màn trập tự động đóng sau khi  máy tắt chống bụi khi thay lens

Màn trập tự động đóng sau khi máy tắt chống bụi khi thay lens


FIRST LIGHT OVER MOUNTAIN (Nắng Qua Đầu Núi)  1/160s f/5.6 ISO 400 WB 6200K. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 88mm. Háng Đăng Dê, Mù Chang Chải, Yên Bái 6:20 AM.

FIRST LIGHT OVER MOUNTAIN (Nắng Qua Đầu Núi) 1/160s f/5.6 ISO 400 WB 6200K. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 88mm. Háng Đăng Dê, Mù Chang Chải, Yên Bái 6:20 AM.

NHỮNG LO NGẠI VÀ THỰC TẾ

Lossless Compressed giải pháp cho file RAW nặng

Lần đầu nâng cấp lên 42MP (A7R III) thì PC xử lý ảnh của mình trở nên rất chậm, kết quả là mình phải chi thêm 10 tr để nâng cấp. Khi Sony giới thiệu 61MP, lo ngại đầu tiên là phải nâng cấp PC thêm một lần nữa. Nhưng lần này Sony cho ra Lossless Compressed RAW mới với lựa chọn 3 kích cở khác nhau. Lossless Compressed RAW là file RAW nén theo một thuật số không làm giảm chất lượng ảnh, trên thực tế so với Uncompressed nó giảm hơn 1 chút nhưng không đáng kể.

Về lựa chọn file kích cở nhỏ hơn không phải là dùng diện tích cảm biến nhỏ hơn như trường hợp dùng máy ở chế độ crop (61MP trở thành 26MP), mà vẫn được chụp bằng toàn cảm biến full frame sau đó mới làm nhỏ lại (resampling), với cách này chất lượng file ảnh nhỏ không giảm.

12-d-item2

Loại file ảnh Dung lượng Trung Bình
Uncompressed RAW 130 MB
Compressed RAW 70 MB
Lossless Compressed RAW L 80 MB
Lossless Compressed RAW M 45 MB
Lossless Compressed RAW S 40 MB
JPEG Extra Fine 40 MB
HEIF 4:2:2 Extra Fine 30 MB
HEIF 4:2:0 Extra Fine 15 MB


Lưu ý: dung lượng ở trên theo ảnh mình chụp để bạn có khái niệm về kích cở, ở mổi cảnh chụp có dữ liệu khác nhau nên sẽ có dung lượng khác nhau.

Một ổ ghim và không hổ trợ thẽ CF-A

Sony A7C R chỉ có 1 ổ ghim thẻ SD, không hổ trợ thẻ nhanh nhất là CF-A nên có thể là điều lo ngại, vì không biết 1 ổ ghim nếu gặp sự cố hư thì không thể chụp tiếp được. Với kinh nghiệm của mình từ hơn 10 năm qua dùng máy Sony và chụp khắp nơi trên thế giới trong đủ loại thời tiết mà chưa bao giờ gặp trường hợp ổ ghim bị hư do đó không là vấn đề để lo lắng.

Thẻ nhớ CF-A là loại thẻ chụp siêu nhanh, nhưng A7C R với 61MP chụp được tối đa 8FPS và liên tục 36 ảnh Compressed Raw, nên thẻ SD đã dư đáp ứng được yêu cầu phần cứng này. Nếu bạn muốn cảm giác thật an tâm thì có thể mua thẻ Sony Tough SD XC II nhanh 300 MB/s tốc độ cao và siêu bền.

Không có Joystick

Joystick là nút núm di chuyển tự do 360 độ như cần điều khiển chơi game. Thường được dùng để di chuyển điểm lấy nét. Nhưng A7C R vẫn có bánh xe điều khiển tròn với 4 vị trí di chuyển to hơn dễ dùng hơn. Ngoài ra khi lấy nét AF thì máy đã tự động nhận diện và lấy nét vào chủ thể nên mình chưa bao giờ dùng đến núm joystick nhỏ này.

DREAMY LIGHT OVER TERRACES (Nắng Trải Ruộng Mơ) 1/40s f/20 ISO 400 WB 6900K. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 138mm. Háng Đăng Dê, Mù Cang Chải, Yên Bái 6:23 AM.

DREAMY LIGHT OVER TERRACES (Nắng Trải Ruộng Mơ) 1/40s f/20 ISO 400 WB 6900K. Sony a7cR + Sony 70-200 F4 G II @ 138mm. Háng Đăng Dê, Mù Cang Chải, Yên Bái 6:23 AM.

KẾT LUẬN

Sony a7C R là một máy có giá trị cao vì cảm biến và chip AI được thừa hưởng từ Sony A7R V với giá thấp hơn nhiều ( 69.99 tr so với 92.99 tr). Hai bộ phận này là hai bộ phận chính và quan trọng nhất của máy ảnh. 61 MP cho bạn ảnh với chi tiết cao với khả năng crop hay chụp ở crop mode để tăng tiêu cự lên 1.5 lần rất tốt. AF với công nghệ AI giúp nhận dạng nhiều loại chủ thể (người thú chim côn trùng…) nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra máy còn tích hợp nhiều chức năng giá trị như siêu độ phân giải Pixel shift, focus staking, bulb timer và time-lapse và đóng màn trập khi thay lens. Tất cả được gói gọn trong 1 thân máy nhỏ gọn. Nếu kết hợp với dòng lens mới GM II gọn nhẹ hơn đời GM trước, thì bạn sẽ có một bộ máy chất lượng và sự nhỏ gọn hơn bao giờ hết.

Song song với Sony A7C R, Sony cũng cho ra đời một phiên bản máy thấp hơn, Sony A7C II. Phiên bản này giảm có độ phân giải xuống 33MP và một số tính năng video thấp hơn. Ngoài ra Sony A7C II không hổ trợ siêu độ phân giải Pixel Shift và Focus Stacking. Các chức năng khác thì như nhau và có giá 50.99 tr.


Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp