HỌC NHIẾP ẢNH

1b. CÁCH LẤY NÉT TỐI ƯU TRONG PHONG CẢNH 3.0

LẤY NÉT TỐI ƯU LÀ GÌ?

Lấy nét tối ưu là kỹ thuật lấy nét ở một điểm, tính bằng một khoảng cách đến cảm biến máy ảnh, mà làm cho ảnh rõ nét nhất từ tiền cảnh gần đến hậu cảnh xa. Khoảng cách này gọi là Hyperfocal Distance.

KHI NÀO DÙNG KỸ THUẬT NÀY?

Khi cảnh có tiền cảnh gần, mà bạn muốn làm nó rõ nét từ tiền cảnh đó đến hậu cảnh ở vô cực, thì nên áp dụng kỹ thuật này.

Khi bạn không cần làm rõ nét ở tiền cảnh, như tiền cảnh là bóng đen (silhouette), hay không có tiền cảnh (khoảng không) thì bạn không cần áp dụng kỹ thuật này. Trong trường hợp đó bạn nên lấy nét ở chủ thể nổi bật hay quan trọng nhất trong khung ảnh nếu có, nếu không thì lấy nét ở một chi tiết gần nhất trong khung ảnh (gần cạnh dưới của khung ảnh) và kết hợp với khẩu độ tối ưu cho tiêu cự bạn đang dùng (chi tiết bên dưới bài)

_DSC9358-Edit
Trường hợp không có tiền cảnh quan trọng, lấy nét tại chủ thể nổi bật là thân cây.

THẾ NÀO LÀ RÕ NÉT?

Độ rõ nét chỉ là một sự tương đối, ngoại trừ sức khoẻ của mắt người xem, độ rõ nét tuỳ thuộc vào 2 yếu tố sau:

  1. Kích cỡ ảnh:
    Ở cùng một khoảng cách, ảnh càng nhỏ sẽ thấy nét càng rõ, ảnh càng to sẽ thấy nét càng mờ. Ví dụ bạn xem ảnh một cách tổng quát trên màn hình mọi thứ nhìn rất rõ, nhưng khi bấm phóng ra 100% thì những chi tiết đó không rõ như khi xem ở kích cở nhỏ trước khi phóng to.Điều này cho thấy file ảnh 12 mp sẽ thấy rõ nét hơn file ảnh 36 mp khi xem ở chế độ nguyên pixel 100% với mọi yếu tố khác bằng nhau.
  2. Khoảng cách xem ảnh:
    cùng một nguyên lý như trên, ảnh càng xa sẽ thấy nét càng rõ, ảnh càng gần sẽ thấy nét càng mờ. Ví dụ bạn nhìn thấy các bản quảng cáo to trên xa lộ rất rõ từ xa, nhưng khi đến gần sát bên thì thấy những chi tiết đó được in ra rất thô và mờ. Cho nên khi bạn xem ảnh ở khoảng cách 3m thì sẽ thấy nét rõ hơn là bạn đến thật gần ở khoảng cách 25 cm.

_DSC8213-Edit
Nikon D800E với tiêu cự 16mm, f/11, điểm lấy nét 1m trên vân đá phía trước.

VÌ SAO BẢNG LẤY NÉT TỐI ƯU CÓ THỂ SAI?

Chính vì 2 yếu tố trên mà các bảng lấy nét tính sẵn (hyperfocal distance table) và các phần mềm tính nét (hyperfocal distance calculator) có nhiều trên mạng có thể không chính xác nếu nó không cho bạn biết là nó căn cứ vào kích cỡ ảnh và khoảng cách xem ảnh là bao nhiêu.

Phần lớn các bảng và phần mềm nói trên được sao chép lại từ thời máy phim 35mm, với kích cở ảnh in gần như cố định (tương đương với máy kỹ thuật số là 24mp). Thời nay máy kỹ thuật số với nhiều thế hệ khác nhau có độ phân giải khác nhau, cho ra nhiều kích cở ảnh khác nhau. Mà kích cở ảnh hưởng đến độ nét như đã nêu trên, vì thế nếu bạn dùng máy khác 24mp thì các thông số trong các bảng tín nét sẵn hay phần mền tính nét nêu trên sẽ cho bạn khoảng cách lấy nét không tối ưu và có thể dẫn đến ảnh bị mờ ở tiền cảnh hay hậu cảnh.

ĐỘ RÕ NÉT VÀ TRƯỜNG ẢNH

Không giống như mắt con người lúc nào cũng cảm thấy mọi thứ rõ từ gần đến vô cực (do mắt người “lấy nét” liên tục), ống kính có trường ảnh (DOF), là một khoảng không gian rõ nét trong ảnh, bên ngoài trường ảnh đó là phần không gian mờ. Trường ảnh sâu/dài hay cạn/ngắn tuỳ thuộc vào 2 yếu tố sau:

  1. Tiêu cự:
    Tiêu cự càng ngắn (vd ống rộng 14mm) trường ảnh càng sâu/dài và ngược lại tiêu cự càng dài (ống tele 200mm) thì trường ảnh càng cạn/ngắn. Đây là lý do mà trong phong cảnh ta thường dùng ống rộng từ 14mm đến 24mm, vì nó cho ta trường ảnh sâu, giúp cho ảnh có độ rõ nét từ gần đến xa. Từ 35mm trở đi thì trường ảnh không đủ sâu, hoặc không đủ chất lượng vì phải dùng đến f22, ở khẩu nhỏ nhất này, ảnh sẽ bị mờ nét nhiều do bị nhiễu xạ (diffraction).
  2. Khẩu độ:
    Khẩu độ càng nhỏ (số f lớn, vd f11, f16…) thì trường ảnh càng sâu/dài và ngược lại khẩu độ càng lớn (số f nhỏ, vd f2.0, f1.8….) thì trường ảnh càng cạn/ngắn. Vì thế trong phong cảnh ta thường dùng khẩu độ nhỏ thường là f8-f16 để có trường ảnh sâu/dài.

_DSC2375-Edit
Sony A7R với tiêu cự 14mm, f8, điểm lấy nét ở 1.0m ngay cây cột tam giác chỉnh giữa.

KHẨU ĐỘ TỐI ƯU

Khẩu độ tối ưu trong phong cảnh là khẩu độ vừa khai thác được độ sắc nét nhất có thể của ống kính và đồng thời cung cấp đủ trường ảnh cho ảnh rõ nét từ gần đến xa.

Nếu bạn đã từng đọc qua những bài đánh giá (review) của ống kính, thì bạn thấy rằng gần như tất cả các ống kính cho máy ảnh loại 35mm DSLR đều có khẩu độ sắc nét nhất ở f5.6 và f8. Tùy vào tiêu cự dùng, khẩu độ f5.6 và f8 có hoặc không có thể cung ứng được trường ảnh mà ta cần trong phong cảnh, vì thế ta cần chọn một ra một khẩu độ tối ưu vừa ở mức sắc nét nhất của ống kính mà vừa có đủ trường ảnh mà ta cần cho phong cảnh cho mỗi khoảng tiêu cự. Bạn có thể dùng khẩu độ tối ưu như sau, và kiểm tra trường ảnh thực tế khi chụp, bằng cách phóng ảnh lớn ra 100% và xem tiền cảnh và hậu cảnh có đủ độ nét không, rồi tăng giảm từ đó.

Tiêu cự ống kính full frame Tiêu cự ống kính crop 1.5x, 1.6x Khẩu độ tối ưu
10-16mm 8-13mm f/5.6
17-20mm 14-16mm f/8
21-24mm 17-20mm f/11
25-35mm 21-24mm f/13 hay f/14 *
Trên 35mm Trên 24mm Lấy nét tại chủ thể **

* Những máy 36mp bắt đầu bị nhiễu xạ mạnh (diffraction) từ sau f/13-f/14 làm giảm chất lượng ảnh như độ tương phản và độ nét rất đáng kể, vì thế trừ khi trong tình huống mà bạn bắt buộc cần khép khẩu đến f/16 hay f/22 (như để làm cho mặt trời xẹt tia) thì bạn không nên dùng quá khẩu độ f/13 hay f/14 này.

** Trên tiêu cự 35mm full frame hay 24mm crop thì điểm lấy nét tối ưu quá xa để có thể ứng dụng tiền cảnh vào, vì ở tiêu cự dài thì tiền cảnh mà lấy được nét rõ tới vô cực thì nó quá xa, quá nhỏ, mất đi mục đích mà mình cần lấy nó vào, làm cho nó to, tạo điểm thu hút thú vị cho ảnh. Nếu đến gần và lấy nét rõ thì hậu cảnh sẽ bị mờ.

_DSC9426
Nikon D800E ở tiêu cự 19mm, f/8, điểm lấy nét 1.8m ngay giữa cục đá chìm phía trước.

CÁCH TÍNH ĐIỂM LẤY NÉT TỐI ƯU

Điểm lấy nét tối ưu (Hyperfocal Distance) cho máy kỹ thuật số khác nhau vì nó có kích cở cảm biến và độ phân giải khác nhau, đều này ảnh hưởng đến độ nét, nên bạn cần tính và lập riêng một bảng điểm lấy nét cho máy và tiêu cự ống kính của bạn.

Bấm vào link phần mềm tính HFD online nàyhttp://www.cambridgeincolour.com/tutorials/dof-calculator.htm

Bên phải của Depth of Field Calculator, bấm vào show advanced, bạn sẽ thấy giao diện phần mềm như sau

dofcalc

Bạn điền vào các thông số theo số thứ tự như đã ghi chú trong ảnh screenshot của phần mềm trên.

Bước 1: Max Print Dimension (Kích cỡ in tối đa)

Thông số này thể hiện kích cỡ của ảnh. Tuỳ theo độ phân giải của máy bạn, mà file ảnh có thể in ra, hay thể hiên trên màn hình với kích cỡ tối đa khác nhau. Kích cở in tối đa dưới đây với chất lượng cao nhất 300dpi, nên trên thực tế bạn có thể in to hơn thông số này. Bạn có thể dùng bảng tính sẵn cho máy bạn như sau dùng số MP gần nhất:

Máy nhỏ hơn hoặc bằng Max Print Dimension 
(Kích cỡ in tối đa)
10 Mp 15.5inches
12 Mp 16.9 inches
16 Mp 19.6 inches
18 Mp 20.8 inches
20 Mp 22 inches
24 Mp 24 inches
36 Mp 29.4 inches
42 Mp 31.8 inches
50 Mp 34.7 inches
61 Mp 38.4 inches
80 Mp 44 inches
100 Mp 49 inches

Ví dụ: máy Sony A7R 36mp thì điền vào 25 inches

Bước 2: Viewing Distance (Khoảng cách xem ảnh)

Từ mắt bạn đến màn hình, hoặc đến bản in à bao nhiêu?
Ví dụ: Xem ảnh trên màn hình cách 50cm, điền vào 50 cm.

Eyesight (Thị lực)

Để mặc định không thay đổi

Bước 3: Camera Type (Loại máy ảnh)

Chọn đúng loại máy ảnh theo đúng hệ số cảm biến của máy bạn. Ví dụ:

  • 35mm Full Frame (Canon 1DX, 5D1-3, 6D, Nikon D600-800/E, Sony A7/R, A850-900…)
  • Digital SLR with CF of 1.6x (Các máy crop Canon: 7D, XXD, XXXD….)
  • Digital SLR with CF of 1.5x (Các máy crop Nikon: D300, D200, DXXXX…)
  • Digital SLR with CF of 1.3x (Canon 1D, 1D3…)

Ví dụ: Sony A7R, chọn 35mm Full Frame

Bước 4: Selected Aperture (Khẩu độ chụp)

Điền vào khẩu độ tối ưu theo tiêu cự bạn dùng tính sẵn ở phần trên, hay khẩu độ bạn muốn dùng.
Ví dụ:Lens dùng là Nikon 14-24, đang tính cho tiêu cự 16mm, máy Sony A7R là Full Frame, theo bản trên Khẩu độ tối ưu là f5.6. Chọn F5.6.

Bước 5: Lens Focal Length (Tiêu cự ống kính)

Nếu bạn sài ống zoom, thì bạn xem trên ống có ghi các tiêu cự, và tìm HFD cho từng tiêu cự mà bạn cần dùng, bằng cách nhập từng tiêu cự cho mổi lần tính.
Ví dụ: Lens dùng là Nikon 14-24 và đang tính cho tiêu cự 16 mm.

Focus Distance (Khoản cách đến điểm lấy nét)

Tạm thời bạn giữ nguyên như mặc định, sau khi bạn tính ra được Hyperfocal distance (Điểm lấy nét tối ưu) rồi mình mới nhập thông số đó vào đây để kiểm tra xem trường ảnh của nó sẽ rõ gần nhất là bao nhiêu và xa nhất có đến vô cực hay không. Nói một cách chính xác là độ rõ nét có thể chấp nhận được gần nhất (Nearest Acceptable Sharpness) đến độ rõ nét có thể chấp nhận được xa nhất (Furthest Acceptable Sharpness) là bao nhiêu.

Bước 6: Bấm nút CALCULATE để tính
Bước 7: Làm tròn kết quả

Bạn xem ở bên dưới có Hyperfocal distance là bao nhiêu, làm tròn thông số này lên đơn vị Dm (decimet = tấc) chẵn.
Ví dụ:  kết quả của Hyperfocal distance: 1.79 m, làm tròn 2 m

Bước 8: Kiểm Tra Hyperfocal distance

Lấy thông số làm tròn đó, nhập vào Focus Distance vừa thảo luận ở trên, bấm nút CALCULATE lại để kiểm tra nó có rõ đến vô cực hay không, nếu không thì mình tăng thông số lên 1 Dm (decimet = tấc).

Ví dụ:  nhập vào Focus Distance: 2 m, bấm nút CALCULATE, xem thông số sau, thấy trường ảnh rõ từ gần 0.95 m đến vô cực, vậy là xong, ghi lại thông số đó.

Nearest Acceptable Sharpness (độ rõ nét có thể chấp nhận được gần nhất): 0.95 m
Furthest Acceptable Sharpness (Độ rõ nét có thể chấp nhận được xa nhất): ∞ (infinity)
Total Depth of Field (Tổng trường ảnh): ∞ (infinity)

_P8B7134
Canon 5D3 với tiêu cự 15mm, f/11, điểm lấy nét ở 1.0m ngay bờ phải của vũng nước trước.

CÁCH LẬP BẢNG LẤY NÉT TỐI ƯU CHO MÁY BẠN

Bạn lập lại các bước từ 1 đến 8 cho tất cả sự kết hợp của Tiêu cự và Khẩu độ mà bạn muốn dùng, lập thành một bảng thông số như sau, rồi lưu vào điện thoại smartphone hay in ra để tiện xem lúc chụp.

Ví dụ: Máy full frame, 36mp, khoảng cách xem ảnh là 50 cm.

Tiêu cự f/5.6 f/8.0 f/11
12mm 1.0m 0.8m
14mm 1.4m 1.0m
15mm 1.6m 1.2m
16mm 1.9m 1.3m
17mm 1.5m 1.1m
18mm 1.7m 1.2m
20mm 2.0m 1.5m
21mm 1.6m
24mm 2.1m
28mm 2.9m

CÁCH ĐƠN GIẢN HOÁ BẢNG LẤY NÉT

Cùng một điểm lấy nét ở một khẩu tối ưu, bạn có thể khép nhỏ hơn một khẩu (số f lớn hơn) hoặc tăng khoảng cách của điểm láy nét tối ưu mà không làm ảnh hưởng đến độ nét của ảnh, ngược lại điều đó còn làm tăng sự an toàn cho độ nét đó. Vì thế mình tăng điểm lấy nét và dùng khẩu linh hoạt để chỉnh cho điểm lấy nét trùng với số tiêu cự cho dể nhớ. Sau đây là bảng đơn giản hoá cho bản lấy nét ở trên.

Máy full frame 36mp, ở khoảng cách xem ảnh 50 cm.

Tiêu cự f/5.6 f/8.0 f/11
12mm 1.2m
14mm 1.4m
15mm 1.5mm
16mm 1.6m
17mm 1.7m
18mm 1.8m
19mm 1.9m
20mm 2.0m
21mm 2.1m
24mm 2.4m
28mm 2.8m


BẢNG LẤY NÉT TỐI ƯU RÚT GỌN


Sau đây là bảng lấy nét rút gọn mà mình đã chuẩn bị cho những độ phân giải thông dụng, tất cả đều căn cứ theo khoảng cách xem ảnh là 50 cm. Vì mình đã điều chỉnh điểm lấy nét cho trùng với số tiêu cự với decimet-tất cho dể nhớ, nên bạn chỉ cần nhớ khoảng tiêu cự nào và dùng khẩu độ nào là được.

Ví dụ: Máy full frame 36 mp với tiêu cự 16mm thì dùng f/8 và lấy nét ở 16 dm/tất hay 1.6m

CHO MÁY FULL FRAME

Chọn độ phân giải gần nhất với máy ảnh KTS full frame của bạn.

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-13mm f/8 1.0m..1.3m
14-18mm f/11 1.4m..1.8m
19-26mm f/16 1.9m..2.6m

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-13mm f/5.6 1.0m..1.3m
14-18mm f/8 1.4m..1.8m
19-25mm f/11 1.9m..2.5m

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-14mm f/5.6 1.0m..1.4m
15-20mm f/8 1.5m..2.0m
21-28mm f/11 2.1m..2.8m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-17mm f/5.6 1.0m..1.7m
18-24mm f/8 1.8m..2.4m
28mm f/11 2.8m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-18mm f/5.6 1.0m..1.8m
20-28mm f/8 2.0m..2.8m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
10-21mm f/5.6 1.0m..2.1m
24-28mm f/8 2.4m..2.8m
CHO MÁY CROP 1.6X VÀ 1.5X

Chọn độ phân giải gần nhất với máy ảnh KTS crop của bạn.

Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
8-11mm f/5.6 0.8m..1.1m
12-15mm f/8 1.2m..1.5m
16-20mm f/11 1.6m..2.0m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
8-12mm f/5.6 0.8m..1.2m
13-17mm f/8 1.3m..1.7m
18-20mm f/11 1.8m..2.0m
Tiêu cự Khẩu độ Điểm lấy nét
8-13mm f/5.6 0.8m..1.3m
14-18mm f/8 1.4m..1.8m
20mm f/11 2.0m

CÁCH ỨNG DỤNG ĐIỂM LẤY NÉT TỐI ƯU NGOÀI THỰC TẾ

Khi chụp bạn xem tiêu cự mình dùng và khẩu độ là bao nhiêu rồi tìm trong bản thông số của mình rồi lấy nét ở khoảng cách đó.

Ví dụ: Dùng máy Full frame 36mp và bảng điểm lấy nét của nó như trên, ở f/11 dùng 24mm là 2.4m thì bạn tìm một vật gì ở khoảng cách đó chung quanh bạn, không nhất thiết phải trong cảnh bạn muốn chụp. Xoay máy vào vật đó, lấy nét rồi xoay máy trở lại và canh bố cục rồi chụp.

Cách lấy nét tốt nhất là dùng Live view và phóng to ảnh lên to nhất có thể, nếu máy bạn có chức năng lấy nét peaking như máy Sony thì hãy dùng nó để giúp bạn lấy nét chính xác một cách nhanh chóng hơn.

Cách lấy nét thứ 2 là dùng chức năng lấy nét tự động AF của máy, lấy nét xong thì khoá nét dùng nút AF Lock, hay tắt nút AF trên máy và trên lens, cách này không chính xác bằng cách dùng Live view ở trên.

Cách lấy nét thứ 3 là lấy nét tay, bạn phải xoay từ xa vào gần và xem đèn nét trong view finder máy, khi đèn báo nét vừa vừa hiện lên là ngưng.

Không nên lấy nét bằng cách xem số mét ghi trên ống kính, vì 1mm trên đó bằng cả 10m trong cảnh tuỳ vào tiêu cự bạn dùng, nó có thể gây độ xai lệch rất cao làm mờ ảnh bạn.

Nếu bạn không chắc khoảng cách mình ước tính là đúng, nên lấy nét xa hơn vài tất cho an toàn.

_DSC2216
Sony A7R với tiêu cự 15mm, f/5.6, điểm lấy nét ở 1.6m trên vân cát phía trước.

KẾT HỢP ĐIỂM NÉT TỐI ƯU VỚI TIỀN CẢNH CHÍNH

Nếu tiền cảnh là trọng điểm của bố cục thì kết hợp lấy nét theo thông số tối ưu mà bạn đã tính ra ở phần trên, cộng thêm dời máy cho tiền cảnh đúng vào khoảng cách đó. Như vậy ta vừa có điểm lấy nét tối ưu, trùng với điểm lấy nét của tiền cảnh, như thế tiền cảnh sẽ có nét rất sắc bén, làm móc dẫn mắt người xem vào sâu trong ảnh rất hiệu quả.

KIỂM TRA ĐỘ NÉT KHI CHỤP

Kỹ thuật này căn cứ theo một thuật toán thấu kính áp dụng cho nhiếp ảnh, nó là lý thuyết nên bạn cần kiểm tra thực tế khi chụp. Bạn nên bấm nút Depth of The Field Preview (xem manual máy bạn), bạn sẽ thấy được trong view finder trường ảnh gần xa thực tế như sau khi chụp. Hoặc tốt hơn nữa là bạn chụp thử, rồi xem lại và zoom vào 100% để kiểm tra nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh.

ÍCH LỢI PHỤ CỦA KỸ THUẬT LẤY NÉT TỐI ƯU

Khi chụp bạn cứ giữ ống kính nguyên như vậy trong suốt buổi chụp, vì bạn không cần lấy nét lại cho mỗi ảnh chụp, trừ khi bạn thay đổi tiêu cự ống kính hay khẩu độ f chụp (hay lỡ tay xoay ống kính làm sai nét). Đây là một ích lợi đi kèm, tiết kiệm thời gian rất nhiều, giúp bạn tranh thủ có thêm thời gian cho việc nắm lấy khoảnh khắc, và hình nào chụp xong cũng nét từ gần đến vô cực. Tuy nhiên bạn cần di dời máy sao cho khoảng cách của điểm lấy nét tối ưu trùng vào khoảng cách đến tiền cảnh của bạn nhé.

_DSC8088
Nikon D800E với tiêu cự 22mm, f/11, điểm lấy nét ở 2.2m ngay mặt đá phản chiểu to nhất bên phải.

Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

© 2013-2014 Andre Luu.

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp