THAM KHẢO
SONY A7R3: CÁCH CÀI VÀ LẬP TRÌNH MENU
SONY A7R3 REVIEW PHẦN 1: NHIẾP ẢNH PHONG CẢNH
SONY A7R3 REVIEW PHẦN 3: KHẢ NĂNG LẤY NÉT CHÍNH XÁC NHẤT
CÂU CHUYỆN ĐỔI MÁY LIÊN TỤC VÌ CẢM HỨNG
Như phần lớn các bạn mới chơi ảnh, mình đã chọn máy ảnh đầu tiên mà không căn cứ vào một kiến thức kỹ thuật hay nhu cầu gì cả, lúc đó mình đang là học sinh lớp 10. Cứ chọn và mua Minolta X-700 từ một khuyến mãi trên Popular Photography (Mỹ) vào năm 1987. Đơn giản vì nó vừa túi tiền (tầm dưới 500 USD) và trông rất thích và dễ có thể bắt đầu học nhiếp ảnh.
Hơn 2 năm sau mình đã biết chụp cơ bản, thấy gì chụp đó. Một hôm đi ngang qua một cửa hàng máy ảnh và cầm thử hàng demo trưng bài Nikon 8008 mới với thiết kế cạnh bầu tròn siêu đẹp, làm mình yêu ngay từ cái nhìn ban đầu. Anh salesman bán hàng thuyết phục “máy có nhiều tính năng cao cấp hiện đại nhất và có thể phát triển với mình mà không bao giờ lỗi thời …” Thế là mình cắn câu, dĩ nhiên thì Nikon 8008 trở thành máy ảnh thứ 2 của mình.
Rồi 12 năm sau khi đã ra đại học và có việc làm ổn định nhiều năm, mình lại mua máy mới cũng chỉ để chụp linh tinh chẳng có chủ đích gì, chọn Canon EOS-1v đơn giản vì đó là máy ảnh hàng top thời bấy giờ (và vì mình có thể). Thật tình là mình chẳng để ý gì hết về các chức năng siêu việt như chụp tốc độ siêu nhanh 10 fps của nó.
Cứ như thế mình rời bỏ máy film rồi qua kỹ thuật số, rồi lần lượt theo cuộc chơi công nghệ: Fuji FinePix S2, Nikon D300, Canon 5D, 5D mk2, Sony A850, rồi lại Canon 5D mk3, Nikon D800E, Sony a7 và Sony a7R … Đến thời điểm này mình đã nghiên cứu và học hỏi nhiếp ảnh với một niềm đam mê lớn, và đã hiểu một cách sâu sắc về công nghệ máy ảnh. Từ đó mỗi một quyết định đổi máy là mình tham khảo review nước ngoài, test thử máy và phân tích kỹ thuật, tính năng rất kỹ.
Đến ngày hôm nay, mình không còn lựa chọn theo cảm hứng nữa, mà biết tính năng gì để cung ứng nhu cầu thực tế gì. Điều này giúp tối ưu hiệu quả của thiết bị và giảm chi phí đầu tư đến mức thấp, một yếu tố quan trọng để giúp duy trì đam mê lâu dài trong tương lai.
CÓ LẼ NÊN CHỌN LENS TRƯỚC RỒI ĐỊNH MÁY SAU
Khi mới tập tành nhiếp ảnh thì mình lúc nào củng nghĩ đến body máy trước. Nhưng khi đã trưởng thành trong bộ môn này thì mình nhận ra ống kính mới nên được định ra trước, rồi mới đến máy. Trong nhiều năm chơi ảnh và tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm anh chị em cũng đam mê mình thấy sai lầm chọn máy trước để rồi nhận ra cái lens mình cần dùng nằm ở một hệ thống máy khác, thế là phải bán hết cả hệ thống để chuyển qua. Sau đây là những yêu cầu mà mình cần ở bộ lens phong cảnh qua nhiều năm trải nghiệm và đúc kết.
TIÊU CỰ TỪ 10-16mm RẤT TỐT CHO PHONG CẢNH BIỂN VIỆT NAM
Địa hình và góc ảnh biển ở Việt Nam rất nhỏ, nên tiêu cự siêu rộng rất cần thiết để tiếp cận và làm to tiền cảnh ra. Thêm vào đó tiêu cự siêu rộng kết hợp rất tốt với kỹ thuật phơi sáng, làm cho mây bay và hội tụ hút vào trong tâm ảnh, tạo ra mộ hiệu ứng 3D rất thu hút và ảo diệu. Đây là khúc tiêu cự được mình dùng nhiều nhất ở Việt Nam, và có nhiều vấn đề giới hạn khi lựa chọn nhất. Các khoảng tiêu cự khác như 24-70mm và 70-200mm ít dùng hơn, và dễ lựa chọn hơn vì về căn bản tất cả điều nằm trong kích cỡ filter GND size 100m.
TIÊU CỰ 16MM
Mình bắt đầu chụp ảnh biển từ lens 16-35mm, và nhanh chóng nhận ra mình chụp chủ yếu là 16m. Zoom 16-35mm rất tiện lợi nhất là ở những địa điểm mới khi mình chưa biết được tiêu cự nào mới tối ưu.
TIÊU CỰ 15MM
Dần dần mình chụp đến 15mm mới thấy nó rộng hơn 16mm khá nhiều. Đọc các review kỹ thuật thì mới biết là tiêu cự 16mm (của 16-35mm) gần với 17mm hơn, điều này giải thích cho lý do vì sao lens 15 rộng hơn 16. Tiêu cự 15 thoáng hơn cho phép bố cục ảnh nhìn tự nhiên hơn.
TIÊU CỰ 12MM
Khi kỹ năng nhiếp ảnh phát triển, thì mình nhận ra mình cần tiêu cự 12mm để làm to tiền cảnh nhỏ, đẩy tách rời các vách núi gần ra xa, thu gọn hậu cảnh vào trong khung ảnh, và phơi cho mây bay thành vệt tạo một sức hút thị giác diệu kỳ.
TIÊU CỰ 10MM
Trong một số trường hợp và góc chụp tiêu cự 10mm thật hữu dụng, và khi hoàn cảnh cho phép dùng tốt tiêu cự 10mm này, thì góc ảnh đó không thể được chụp bằng các tieu cự dài hơn, bởi vì hiệu ứng và góc chụp của tiêu cự (phi mắt cá – non-fisheye) này là rất đặc biệt.
SUNSTAR CÓ THỂ TẠO RA SỰ ĐỘC ĐÁO VÀ KHÁC BIỆT
Ở thời công nghệ phát triển hiện tại, phần lớn các lens mới trong vài năm gần đây điều có độ nét và chất lượng quang học rất tốt. Trên thị trường bạn có thể tìm thấy được rất nhiều lens có độ nét tốt đáp ứng cho cảm biến máy bạn hiện tại, và một số lens cho cả thế hệ cảm biển ở tương lai. Ngay cả từ những hãng thứ 3 với giá thấp trên thị trường như lens Tamron 24-70mm G2 (25 triệu) đã có độ nét cao bằng hoặc hơn Nikon 24-70mm VR cùng loại (49 triệu). Thế thì cái mình tìm ở bộ lens ngoài độ nét ra, ngoài ít viền tím viền xanh ra (CA) là suntar đẹp, mà để cho sunstar đẹp thì lens phải không bị flare ít nhất nằm trong sunstar làm biến dạng sunstar đó đi.
SỰ GỌN NHẸ VÀ GIỚI HẠN FILTER GND SIZE 100M
Yếu tố thứ 3 là tính gọn nhẹ của thiết bị. Để gọn nhẹ thì những lens phong cảnh của mình phải dùng được filter GND size tiêu chuẩn 100mm nhỏ. Ở kích cỡ phổ biến này, bàn tay mình có thể cầm nó dễ dàng giúp thao tác nhanh. Đồng thời được các hãng filter tốt nhất hiện nay hỗ trợ như GND 100mm từ Singh-Ray, ND 100mm từ B+W. Tính gọn nhẹ của cả hệ thống lens và filter holder giúp mình di chuyển trên địa hình khó dễ dàng hơn, đỡ nhọc nhằn hơn và an toàn hơn mà không cần phải tháo holder filter ra mỗi khi di chuyển góc chụp. Sự gọn nhẹ ảnh hưởng đến cả việc đi bộ (trekking) và leo núi nhiều giờ, mỗi 1kg trọng lượng thêm sẽ là 1 gánh nặng lớn trong tình huống này. Ngoài ra nhỏ cũng có chi phí ít hơn so với filter size lớn hơn.
KHÔNG MỘT HÃNG NÀO CÓ THỂ ĐÁP ỨNG MỌI NHU CẦU CHO HẾT CÁC TIÊU CỰ
Với 3 yêu cầu trên gộp lại thì không có 1 hãng máy ảnh nào có thể cung cấp đây đủ, nên nhu cầu sử dụng được hết tinh hoa của các hãng lens trên thị trường là thiết yếu. Cho dù hãng nào mới phát minh hay mới sản xuất ra lens nào thích hợp nhất thì bạn điều có thể mua về dùng, không còn biên giới của hệ thống máy ảnh như lệ thuộc vào ngàm (mount) chính thống nữa. Mình nghĩ đây là khuynh hướng và là điều tuyệt nhất của nền nhiếp ảnh ở thời đương đại này.
CẤU TRÚC KHÔNG GƯƠNG LẬT CỦA SONY CHO PHÉP NHIỀU LỰA CHỌN ỐNG KÍNH
Sony dòng a7 là một loại máy mirrorless (không gương lật), nên có thân máy hẹp hơn DSRL, tức là khoảng cách từ mặt cảm biến đến ngàm nơi tiếp xúc với ống kính (Flange Distance hay FD), ngắn hơn so với các dòng DSLR. Điều này cho phép Sony dùng được lens của các dòng máy có flange distance dài hơn như Canon, Nikon và Leica M qua adapter chuyển ngàm.
Ví dụ:
SONY E (FD=18mm) dùng được những lens sau với độ dầy của ngàm chuyển (adapter) như sau:
Máy & Ngàm | Flange Distance | Độ dầy ngàm chuyển |
---|---|---|
Leica R | 47 mm | 29 mm |
Nikon F | 46.5 mm | 28.5 mm |
Olympus OM | 46 mm | 28 mm |
Contax C/Y | 45.5 mm | 27.5 mm |
Pentax K | 45.46 mm | 27.46 mm |
Minolta/Sony A | 44.5 mm | 26.5 mm |
Canon EF | 44 mm | 26 mm |
Canon FD | 42 mm | 24 mm |
Contax G | 29 mm | 11 mm |
Leica & Voigtlander M | 27.8 mm | 9.8 mm |
Tham khảo: Toàn bộ Flange Distance cho các ngàm khác ở Wikipedia |
CANON KHÔNG DÙNG TỐT LENS CỦA NGÀM KHÁC
Trên lý thuyết Canon có FD=44mm có thể chế tạo ngàm dầy 2.5mm để gắn vào lens Nikon (FD=46.5mm). Trên thị trường đã có nhiều nhà sản xuất cung cấp adapter chuyển ngàm này. Mình cũng đã dùng qua lens Nikon 14-24mm trên máy Canon 5D mk3 thời Canon chưa có lens zoom nào rộng và tốt hơn Nikon 14-24mm. Ở thực tế thì adapter chuyển ngàm này quá mỏng, không đủ để giữ vững lens và body chắc chắn, bộ phận điều khiển mở khép khẩu quá nhỏ, không chính xác và tất nhiên là không tích hợp được các tính năng điện tử và AF, nên kết quả là chất lượng quang học rất kém. Đó là lý do dùng lens Nikon trên máy Canon không được phổ biến vì không khả thi. Ngoài ra đặc tính của 2 dòng lens giữa Nikon và Canon tương đương với nhau và Canon có lợi thế hơn vì có nhiều lens có sunstar đẹp hơn Nikon trong khi các yếu tố khác tương đương với nhau.
Nikon ít lens đương đại có sunstar đẹp:
Nikon 20mm f/1.8.
Trong khi Canon có nhiều tiêu cự lens có sunstar đẹp hơn:
Canon 16-35mm f/4.
Canon 16-35mm f/2.8 Mark II.
Canon 11-24mm f/2.8.
Tóm lại là máy Canon không dùng lens Nikon tốt do không đủ khoảng cách để làm ngàm hoàn chỉnh và vì ở hiện tại Nikon cũng không có lens nào mà Canon muốn dùng, điều này áp dụng đúng cho các dòng lens khác có Flange Distance dài hơn Canon. Còn những dòng có flange distance ngắn hơn như Voigtlander thì tất nhiên là không dùng được.
NIKON CHỈ DÙNG ĐƯỢC LENS NIKON
Do Flange Distance của Nikon dài nhất trong những dòng máy full frame đang sản xuất trên thị trường, nên không thể dùng các lens khác qua adapter chuyển ngàm được. Nên máy Nikon chỉ giới hạn ở lens Nikon. Tuy nhiên lens Leica R có thể được mod lại bằng cách thay ngàm lens Leica R với 1 ngàm mới của Nikon F nhưng dầy hơn 0.5mm. Giải pháp này không phổ biến vì lens Leica R là lens cổ đã ngừng sản xuất nên số lượng lens ít và rất đắt tiền.
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA LENS SIÊU RỘNG DSLR
CANON 11-24MM VÀ SIGMA ART 12-24MM
Hai lens này đáp ứng được dãi tiêu cự siêu rộng mà mình dùng nhiều nhất, với sunstar đẹp. Nhưng không thể chọn vì những lý do sau và vì còn có những giải pháp khác tốt hơn cho Sony ngoài 2 lens này (Sony dùng được 2 lens này qua adapter chuyển ngàm).
1. KÍCH CỠ GND QUÁ TO SO VỚI BÀN TAY
Canon 11-24mm là một lens siêu rộng xuất sắc về quang học và sunstar, Sigma Art 12-24mm cũng tốt đứng kế, nhưng vấn đề lớn là kích cỡ filter GND phải là 180mm ngang mới không che tối ở tiêu cự rộng nhất. Tức là filter GND phải lớn hơn 3 size so với size tiêu chuẩn 100mm ngang (100mm > 150mm > 165mm >180mm). Kích cỡ filter to tương đương với iPad và holder để giữ nó cần phải to hơn nữa. Do gần như toàn bộ bàn tay người không giữ filter tốt ở 2 cạnh ngang 180mm, nên filter rất để trượt khỏi bàn tay và rớt vỡ. Nếu cầm filter trực tiếp lên mặt thì sẽ làm bẩn filter phản lại quy tắc giữ sạch để filter không làm mờ ảnh hay giảm độ nét ảnh.
2. SINGH-RAY KHÔNG CÓ SẴN GND FILTER SIZE 180MM
Singh-Ray là nhà sản xuất GND tốt nhất hiện nay trên thị trường, nên gần như tất cả các NAG chuyên nghiệp điều dùng thương hiệu này (trừ khi NAG có hợp đồng quảng bá thương hiệu khác). Nên Singhray GND luôn được mình dùng từ nhiều năm nay. Hiện tại size lớn nhất mà Singhray sản xuất có sẵn chỉ to đến 150mm nên muốn mua 180mm thì cần phải đặt hàng riêng cho bạn với giá thành rất cao.
3. B+W KHÔNG SẢN XUẤT FILTER ND CHO SIZE 150MM HOẶC LỚN HƠN
B+W là nhà sản xuất filter ND tốt hàng bật nhất hiện nay trên thị trường tốt hơn cả ND của Singh-Ray với giá rẽ hơn, nhưng không có size lớn hơn 100mm, nên bắt buộc phải dùng nhà sản xuất khác với chất lượng kém hơn ít như Hitech Firecrest, và kém hơn nhiều với các thương hiệu Trung Quốc như Nisi, Haida hay Benro.
4. GND VÀ ND 150 HOẶC LỚN HƠN ĐẮT TIỀN HƠN 100 ÍT NHẤT 50%
Size càng lớn chi phí mua càng tăng, khả năng rớt vở càng cao, nên chi phí về lâu dài cao hơn nữa.
5. KHÓ DI CHUYỂN TRÊN ĐỊA HÌNH LỞM CHỞM VÀ CÓ NƯỚC TRƠN TRỢT
Ở địa hình lởm chởm di chuyển với nhiều gian nan ở thiên nhiên như trên gành đá biển thì xác suất làm rớt filter + holder to và toàn bộ máy móc nặng nề là rất cao. Khi dùng lens nặng 1.18kg với bộ holder filter 180mm như ipad thì mỗi khi di chuyển góc chụp phải tháo hết ra, rồi gắn lại sau khi di chuyển đến góc chụp khác an toàn. Làm thế thì mất nhiều thời gian và khoảnh khác, nhưng không làm thế thì xác suất làm rớt vỡ thiết bị rất cao.
Nikon 14-24mm
Tiêu cự chỉ giới hạn đến 14mm, và ở 14mm thì độ méo (distortion) rất nhiều, nên mình thường chỉ dùng đến 15mm ở ngoài thực tế, và 15mm cho góc nhìn vừa và tự nhiên hơn. Nên không đủ có cho nhu cầu 12mm. Sunstar ở f/16 quá nhỏ và tia chùm không đẹp, nên chưa có được một ảnh có sunstar nào ưng ý. Mình hạn chế dùng f/22 vì chất lượng ảnh bao gồm độ nét, độ tương phản giảm quá nhiều hơn cho phép như ở f/16, vì ảnh hưởng của nhiễu xạ ở f/22 là nặng nhất. Dùng GND filter 150 nên gặp vấn đề 1 và 3,4,5.
Tamron 15-30mm
Tiêu cự giới hạn đến 15mm, nên không đủ cho nhu cầu 12mm. Dùng GND filter size 150mm nên gặp vấn đề 1 và 3,4,5.
NHỮNG LENS DSLR 14, 15 KHÁC CŨNG GẶP NHỮNG VẤN ĐỀ TRÊN TƯƠNG TỰ
Như Canon 14, Nikon 14, SamYang 14, Zeiss 15 ….
MỘT VÍ DỤ TÍNH TỔNG CHI PHÍ CHO LENS SIÊU RỘNG+BỘ FILTER PHONG CẢNH
Giải pháp siêu rộng Canon
Canon 11-24mm = 55 triệu.
Holder + 4 Filter Nisi size 180mm = 40 triệu.
Tổng chi phí: 95 triệu.
* Bao gồm 2 GND Nisi, 2 ND Nisi, chất lượng GND Nisi thấp hơn Singh-Ray và chất lượng ND Nisi thấp hơn B+W.
Giải pháp siêu rộng Sony đáp ứng được sunstar đẹp và filter size 100
Sony 12-24 (Mod Andreluu) = 38 triệu.
Holder + 4 filter size 100mm = 23 triệu.
Tổng chi phí: 61 triệu.
* Bao gồm 2 GND của Singhray, 2 ND của B+W, chất lượng cao hơn NISI và là combo tốt nhất thị trường hiện nay.
***Giá tính theo BHPhotoVideo.com vì mỗi cửa hàng bán giá khác nhau và thấp hơn giá niêm yết của hãng. Theo quy định không phá giá nên giá đăng của cửa hàng lúc nào cũng cao hơn giá bán.
TÓM LẠI:
Với chất lượng tương đương với dãi tiêu cự dùng ở thực tế tương đương, giải pháp Sony có giá đầu tư thấp hơn (61 triệu vs 95 triệu), lens nhỏ hơn và nhẹ hơn (0.56kg vs 1.18kg), có filter nhỏ nhẹ hơn (Size 100mm vs size 180mm) với chất lượng cao hơn (SinghRay và B+W vs Nisi).
Nếu bạn cần hơn tiêu cự 12mm thì có thể thêm giải pháp Voigtlander 10 (Mod Andreluu)+Center Filter 86mm sẽ thêm chi phí 40 triệu nữa, đưa tổng giải pháp Sony lên 101 triệu, và rộng hơn 1mm với chất lượng ở 10mm rất cao, hơn được gọn nhẹ filter 100.
DÙNG LENS CỦA HÃNG KHÁC TRÊN SONY KHÔNG GIẢM MÀ TĂNG CHẤT LƯỢNG ẢNH
KHÔNG GIẢM CHẤT LƯỢNG ẢNH VỚI ADAPTER CHUYỂN NGÀM CHÍNH XÁC
Về mặt quang học, miễn là ngàm chuyển duy trì được đúng khoảng cách Flange Distance như thiết kế thì tính chất quang học của lens gốc không thay đổi. Một ngàm tốt về mặt quang học phải đạt được những tiêu chí sau:
- Khoảng cách Flange Distance phải chính xác sau khi lắp lens vào ngàm và vào máy.
- 2 mặt tiếp xúc của ngàm phải song song, nếu không lens sẽ bị nét không đều ở 4 góc.
- Ngàm phải giữ chặt ở cả 2 mặt tiếp xúc giữa ngàm và lens và ngàm và máy để duy trì độ chính xác.
- Ngoài ra những chức năng khác như điện tử (AF, mở khẩu, EXIF) phải hoạt động tốt nếu có.
Tất nhiên những thương hiệu adapter chuyển ngàm cao cấp qua Sony E hiểu điều này và họ sản xuất ra những ngàm chất lượng cao bậc nhất trên thị trường bao gồm: Voigtlander (cho Leica), Metabones (cho Canon và nhiều ngàm khác), Sigma (cho Canon) và Novoflex (cho nhiều ngàm).
DÙNG LENS HÃNG KHÁC TRÊN SONY CÓ THỂ TĂNG CHẤT LƯỢNG ẢNH
Do Sony có chức năng ống ngắm điện tữ và peaking, nên bạn có thể phóng to điểm lấy nét trong ống ngắm không bị ảnh sáng mạnh hay yếu bên ngoài gây khó khăn khi lấy nét, cộng thêm hỗ trợ của peaking, hiện những đốm màu ở điểm có nét cao nhất, giúp việc lấy nét trong điều kiện khó như bình mình, hoàng hôn và sương mù rất chuẩn xác. Những điều kiện ánh sáng này AF không thể lấy chuẩn được. Nên ở những trường hợp này thì những lens hãng khác dùng trên máy Sony có thể đạt chất lượng độ nét thực tế cao hơn trên máy gốc của chúng.
DÙNG ADAPTER CHUYỂN NGÀM CÓ AF NHANH KHÔNG?
METABONES CHO CANON AF RẤT NHANH
Hiện tại chỉ có adapter chuyển ngàm cho lens Canon là nhanh nhất như ngàm Metabones. Tốc độ AF ở điều kiện ánh sáng bình thường nhanh tương đương với trên máy Canon. Ở điều kiện ánh sáng yếu thì sẽ chậm hơn. Ngàm cho Canon khác là Sigma MC-11 với AF chậm hơn nhưng giá cũng rẽ hơn khoản 50%.
ADAPTER CHUYỂN NGÀM CHO NIKON AF CÒN CHẬM
Do hệ thống AF của Nikon được giữ kín và khó giải mã ngược (reverse engineer) nên cho đến ngày nay, các adapter chuyển ngàm cho Nikon như Complite, Vello… vẫn còn rất chậm.
CHỤP PHONG CẢNH DÙNG MF CHÍNH XÁC HƠN AF
Riêng ở lĩnh vực phong cảnh thì mình không bao giờ cần dùng AF, vì lấy nét tay MF chuẩn và chính xác hơn, nhất là ở lúc trời tối như bình minh và hoàng hôn. Nên cho dù mình dùng lens Sony hay Canon có AF thì mình vẫn phải tắt nó đi và dùng chế độ MF để đạt được độ nét cao nhất.
AF cần thiết cho các thể loại nhiếp ảnh di chuyển như chụp thú hoang dã, thể thao, đời thường, sự kiện hay chân dung….Nếu bạn cần AF nhanh nhất có thể thì bạn nên dùng lens Sony.
THẾ HỆ SENSOR BSI CỦA A7R III VÀ II HOÀN THIỆN DÙNG LENS SIÊU RỘNG
Sony a7r III (và a7r II) dùng cảm biến thế hệ mới BSI. Cấu trúc cảm biến mới này có các photodiode thu tín hiệu ánh sáng nằm trên cùng, trên các mạch điện thay vì ở dưới mạch điện như các thế hệ CMOS trước đó. Nên cảm biến BSI cho phép thu được ánh sáng nhiều hơn, với góc độ ánh sáng chiếu vào rộng hơn (ray angle) như trong trường hợp dùng lens siêu rộng. Vì thế các lens siêu rộng không bị ám màu ở góc, giảm hiệu ứng mất sáng ở sensor. Sự mất sáng làm tối góc nếu có chỉ là phần tối góc do kích cỡ lens nhỏ của lens gây ra, chứ không phải của sensor.
LỢI THẾ BỘ LENS SIÊU RỘNG, SUNSTAR ĐẸP VÀ DÙNG FILTER 100
Chính vì Sony dòng a7r III, a7r II và (các máy a7 full frame khác) dùng được gần như tất cả các lens từ cổ đến hiện đại, của gần như các hãng máy ảnh trên thị trường. Nên mình đã lựa được 1 bộ lens có lợi thế nhất mà lúc dùng DSRL không thể chọn lựa với giới hạn nêu trên. Những lens sau toàn là những lens xuất sắc về độ nét và quang học. Một số lens được chế lại (mod, modified) để dùng được filter size 100mm, các lens DSLR tương tự không thể chế cho filter size 100 được vì chúng lớn quá kích cỡ. Các lens khác không cần mod.
Lens được sắp xếp theo tiêu cự, click vào lens để tham khảo ảnh đã chụp từ lens
Lens Fix | Loại | Ngàm | Ghi chú |
---|---|---|---|
Voigtlander 10 f/5.6 | Fix | Sony E | Phiên bản mod AndreLuu dùng filter size 100 |
Voigtlander 12v2 f/5.6 | Fix | Leica M | Phiên bản mod AndreLuu dùng filter size 100, Voigtlander 12v3 mới nhiều distortion (méo) hơn và sunstar 10 cánh không đẹp bằng 20 cánh với 10 dài 10 ngắn. |
Sony 12-24 f/4 | Zoom | Sony E | Phiên bản mod AndreLuu dùng filter size 100 |
Voigtlander 15v3 f/4,5 | Fix | Sony E | |
Sony 16-35 f/2.8 GM | Zoom | Sony E | |
Canon 16-35 f/4 | Zoom | Canon EF | Nét hơn Canon 2.8 mk2, sunstar dài và đẹp hơn Canon 2.8 mk3 |
VỀ ẢNH COVER VÀ THIẾT BỊ DÙNG
Ảnh cover và trong bài được chụp ở Hokkaido Japan vào đầu tháng 3 2018 vừa qua. Đây là loạt ảnh vào mùa Đông tuyết mà mình chụp lần đầu tiên. Trong chuyến đi 5 ngày, mình đã trãi qua 1 ngày mưa rất lạnh ở gần 0°C, 3 lần tuyết rơi tầm -7°C, 1 ngày bão tuyết gió mạnh đến 50km/h, và 1 ngày rất lạnh đển -15°C. Trong những điều kiện khắc nghiệt này, mình mang theo duy nhất chỉ 1 body Sony a7r3, chụp 2 ảnh trên với Sony 24-70 GM. Máy Sony a7r3 đã hoạt động hoàn hảo qua hết những ngày mưa, tuyết và bão tuyết của miền đảo cực Bắc của Nhật Bản này. Một điều ngạc nhiên khác là dưới nhiệt độ -15°C mà pin Sony vẫn hoạt động tốt, không có dấu hiệu giảm pin mà mình có thể nhận ra được.
Chân máy phong cảnh AndreLuu L63 với cọc ghim vững vào băng tuyết, carbon không làm lạnh tay khi cầm.
Đèn pin vàng cam AndreLuu C20 đeo trán chiếu nhẹ vào vùng tốt nhất và chiếu xuyên qua sương mù trên đường đi./.
Chân thành cảm ơn các bạn. Bây giờ bạn có thể liên lạc với mình để lấy GPS/Google Map :)
Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.
Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa