KỸ THUẬT

SONY A7R3 REVIEW PHẦN 3: CẢM BIẾN VÀ LẤY NÉT XUẤT SẮC

THAM KHẢO

SONY A7R3: CÁCH CÀI VÀ LẬP TRÌNH MENU
SONY A7R3 REVIEW PHẦN 1: NHIẾP ẢNH PHONG CẢNH
SONY A7R3 REVIEW PHẦN 2: KHẢ NĂNG CHỌN LENS TUYỆT VỜI

ĐỘ PHÂN GIẢI TỐI ƯU VỚI CẢM BIẾN MỚI XUẤT SẮC

Chất lượng ảnh càng ngày được nâng cao theo sự phát triển của công nghệ. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ảnh đó là độ phân giải. Độ phân giải càng cao càng cho phép ảnh được phóng và in to ra sẽ thể hiện được những chi tiết rất nhỏ có trong ảnh. Nếu bạn không có nhu cầu phóng hay in to, thì ở cùng một kích cỡ ảnh, độ phân giải cao sẽ cho độ sắc nét và độ chuyển tiếp sắc độ mịn màn và tự nhiên hơn. Tuy nhiên ở cùng một kích cỡ sensor (cảm biến), độ phân giải càng cao thì pixel càng nhỏ, khả năng thu sáng càng yếu, noise càng nhiều (nhiễu hạt). Nhưng điều này cũng tùy vào chất lượng của sensor. Sony đã cho ra đời một cảm biến trên a7r III với độ phân giải cao và tối ưu cân bằng các yếu tố khác như độ noise, độ sâu của dải màu, và dynamic range (dải sắc độ từ sáng nhất đến tối nhất). Hãy khám phá những con số đo độ nhạy tín hiệu với những máy quen thuộc để bạn có thể hình dung ra mức độ chất lượng của a7r III như thế nào.

SO VỚI DÒNG CANON Ở CÙNG PHÂN KHÚC

Chất lượng cảm biến Sony a7r III vs Canon 5Dmk4 và Canon 5DS/R.

SPORTS – VỀ ĐỘ NHIỄU HẠT NOISE

Số tín hiệu so với nhiễu (Signal To Noise ratio) càng cao thì độ nhiễu hạt càng thấp. Sony a7r III có ít noise hơn nhiều so với với Canon 5Dmk4, và 5Dmk4 ít noise hơn nhiều so với Canon 5DS.

LANDSCAPE – VỀ DYNAMIC RANGE

Dynamic Range (DR) là dải tần nhạy sáng tính bằng EV (1 EV tương đương với 1 F-Stop) tính từ điểm sáng nhất đến điểm tối nhất. Sony a7r III có DR cao hơn Canon 5dmk4 cả 1.11 EV. Đây là một con số rất lớn ở thực tế. Canon 5Dmk4 có DR cao hơn 5DS hơn 1.2 EV. Dynamic Range cao giúp khả năng cân sáng tốt hơn đồng nghĩa với sự ít cần dùng GND filter hay chụp nhiều tấm cho HDR hay Exposure Blending. Ngoài ra biên độ xử lý ảnh cũng được nhiều hơn khi mọi yếu tố khác bằng nhau.

PORTRAIT – VỀ ĐỘ SÂU CỦA MÀU – COLOR DEPTH

Nói lên khả năng của cảm biến thể hiện được nhiều sự khác biệt của màu. Con số BIT này càng cao thì sự chuyển tiếp và mức độ mịn màn của màu càng tăng. Độ sâu màu càng nhiều chi tiết màu càng tự nhiên càng đẹp. Đây là chất lượng cốt lõi của màu vì nó tăng khả năng thể hiện được nhiều màu trung thực. Sony a7r III có độ sâu màu cao hơn nhiều so với Canon 5Dmk4 và Canon 5Dmk4 cao hơn 5DS một ít.

*** Canon 5DS R có điểm Dxomark thấp hơn 5DS ở trên là 1 điểm (86), nên mình dùng máy Canon 5DS tốt hơn để làm ví dụ so sánh.

ĐỘ NÉT CAO LÀ GIÁ TRỊ KỸ THUẬT CĂN BẢN NHẤT

Trừ khi là ảnh trừu tượng hay một thể loại đặc biệt nào khác, với ảnh phong cảnh thì gần như lúc nào bạn cũng cần có độ nét cao chất có thể. Đơn giản vì nó thường được soi ở độ phóng đại 100% pixel, và một lúc nào đó sẽ được in ra to để treo lên tường hoặc để bán. Nếu độ nét không đủ sẽ làm mất đi giá trị của bức ảnh đó và phải bị bỏ đi hoàn toàn. Khi điều đó xảy ra, thì sẽ là một việc vô cùng đáng tiếc, nhất là khi bức ảnh đó đã hoàn hảo về cả khoảnh khắc và bố cục.

MÂY TRÔI TRĂNG KHUYẾT (Windy Moon) 60s f/11 ISO 50 WB 5250K. Sony a7r III + Sony 24-70 f/2.8 GM. Hokkaido, Japan.

MÂY TRÔI TRĂNG KHUYẾT (Windy Moon) 60s f/11 ISO 50 WB 5250K. Sony a7r III + Sony 24-70mm f/2.8 GM. Hokkaido, Japan.

LẤY NÉT LÚC TRỜI TỐI VÀ SƯƠNG MÙ RẤT KHÓ KHĂN

Để bắt được ánh sáng đẹp nhất của bình minh, thì mọi thứ phải sẵn sàng, bao gồm đã phải lấy nét chuẩn lúc trời còn chưa sáng. Có như thế thì bạn mới có thể tiếp tục việc canh góc và bố cục để chỉ còn bấm máy để bắt hết những khoảnh khắc đậm đà rực rỡ của ánh sáng đầu tiên. Ở thời điểm này, nếu trời có thêm sương mù thì mọi thứ càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Với công nghệ lấy nét truyền thống không thay đổi của DSLR từ gần 20 năm nay, mình thường gặp phải những trở ngại sau:

AF KHÔNG THỂ LẤY NÉT TRONG TRỜI TỐI VÀ HOẶC CÓ SƯƠNG MÙ

AF hoạt động tốt ở điều kiện ánh sáng tốt và thích hợp cho các thể loại ảnh không đòi hỏi độ nét ở từng pixel như sự kiện, thời sự, thể thao….Để AF được chính xác thì ống kính thường được NAG chuyên nghiệp cân chỉnh (AF calibration) cho lens ăn khớp với body máy. Nhưng khi trời tối hoặc khi có sương mù thì AF không thể lấy nét được, ống kính cứ xoay chạy tới chạy lui (AF hunting) mà không xác định được điểm nét chính xác. Tuy rằng khả năng AF trong ánh sáng yếu ngày càng được cải tiến, nhưng ở hiện tại thì vẫn chưa đạt được đến độ chuẩn xác cần thiết cho phong cảnh. Đây là giới hạn của AF.

LẤY NÉT MF THEO ĐIỂM BÁO NÉT KHÔNG CHÍNH XÁC

Thêm vào đó, trên DSLR như Canon và Nikon, lấy nét tay MF được hỗ trợ bằng đốm tròm báo nét trong ống ngắm. Điểm báo nét này lấy tính hiệu từ chip lấy nét AF và hiện lên chi cần độ nét ở trong vùng tương đối nét. Bạn có thể kiểm tra độ sai lệch này bằng cách lấy nét vào 1 cây thước ở 1 vạch, và xoay tay MF từ gần ra xa, khi đèn vừa báo hiện ra là bạn ngừng, rồi dùng bút chì gạnh ngang vòng xoay nét để đánh dấu. Tương tự, bạn lập lại bước trên nhưng xoay tay MF từ xa vào gần. Lúc đó bạn sẽ thấy 2 điểm nét đó không trùng khớp nhau. Điều này cho thấy đèn báo nét chỉ tương đối chứ chưa đạt được độ nét cao nhất. Do bộ phận lấy nét và cảm biến chụp là 2 bộ phận khác nhau nên có sai số.

LẤY NÉT TỪ CẢM BIẾN NHƯ LIVEVIEW VÀ EVF LÀ CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI

Điều này dễ hiểu vì láy nét bằng cảm biến và chụp cũng bằng cảm biến, tức là cảm biến thấy như thế nào thì chụp ra sẽ như thế đấy. Ngoài ra liveview và EVF là giải pháp điện tử nên hình ảnh có thể được phóng đại ra to 100% hoặc hơn để lấy nét và kiểm tra nét ở chi tiết nhỏ nhất nên kết quả được chính xác nhất.

VẤN ĐỀ CỦA LIVEVIEW LÀ KHÔNG RÕ KHI ÁNH SÁNG MÔI TRƯỜNG TĂNG

Độ rõ của màn hình LCD lệ thuộc vào ánh sáng ở ngoài môi trường. Khi ánh sáng ở môi trường tối (như trời tối) thì LCD liveview sẽ sáng và rất rõ, nhưng khi ánh sáng môi trường sáng hơn (như ngoài trời nắng, trên tuyết, hay trên bãi cát trắng) thì LCD Liveview sẽ bị ánh sáng sáng hơn ở chung quanh lấn sáng và làm LCD trở nên không rõ. Nên để xem liveview rõ hơn thì bạn phải che cho nó tối lại như dùng áo khoác trùm lên máy, hoặc dùng hộp chắn sáng chuyên nghiệp như Zacuto Finder chụp vào trên liveview. Làm như thế bạn phải tốn thêm thời gian hay tiền bạc để mua thêm thiết bị và thêm sự cồng kềnh.

Tuyết Trắng Song Đôi (Winter Duet) 61s f/14 ISO 50 WB 6150K. Sony a7r3 + Sony 24-70 f/2.8 GM @ 58mm. Hokkaido, Japan.

Tuyết Trắng Song Đôi (Winter Duet) 61s f/14 ISO 50 WB 6150K. Sony a7r3 + Sony 24-70mm f/2.8 GM @ 58mm. Hokkaido, Japan.

EVF + PEAKING LÀ CUỘC CÁCH MẠNG VỀ LẤY NÉT CHÍNH XÁC

Có thể nói sự ra đời của EVF (Ống ngắm điện tử) chất lượng cao kết hợp với Peaking (chùm đốm báo nét) là một cuộc cách mạng về cách hỗ trợ lấy nét chính xác nhất hiện nay. Sau đây là những lý do:

ĐỒNG NHẤT TỪ CẢM BIẾN

Chụp bằng cái gì lấy nét bằng cái đó là một yếu tố đầu tiên cho sự đồng nhất (WYSIWYG), Lấy nét bằng EVF (và liveview) loại bỏ độ sai số và công cân chỉnh (calibration) khi 2 bộ phận chụp và lấy nét riêng biệt nhau. Lấy nét từ cảm biến là phương pháp lấy với độ chính xác cao nhất nếu không nói là hoàn hảo.

TỰ ĐỘNG LÀM SÁNG VÀ MỞ KHẨU LỚN NHẤT

Do cảm biến có khả năng khuếch đại ánh sáng (như kiểu tăng ISO) nên các tình huống ánh sáng kém được thể hiện trên EVF sáng và rõ hơn ngoài thực tế. Thêm vào đó, trên máy Sony a7r III (và dòng Sony mirrorless nói chung) khẩu (F) được điều khiển bằng điện tử, nên máy tự động mở khẩu lớn nhất, 2 khả năng này kết hợp tạo cho bạn một ống ngắm (và liveview ở trời tối) có một độ sáng và rõ tuyệt vời. Giúp việc lấy nét lúc trời bắt đầu hừng lên đầu tiên ở bình minh cực kỳ dể dàng và nhanh chóng.

Ở trên máy Nikon DSLR (Như D600, D800/e, D810….) khẩu không tự động mở nên LCD nhìn thấy rất tối, để tạm giải quyết vấn đề này thì bạn phải chuyển qua chế độ M, tự mở khẩu ra lớn nhất (ví dụ f/2.8), thì LCD liveview mới sáng lên, sau đó lấy nét hay bố cục rồi phải nhớ trở lại khẩu muốn chụp (ví dụ f/11). Nhiều lúc quên và chụp thì độ phơi sáng bị cháy, nhưng đây là cách giải quyết duy nhất mà mình tìm ra.

*** LƯU Ý: Trên Sony A7R III (và các máy Sony mirrorless khác), bạn nhớ set menu ở phần Live View Display=Setting Effect OFF nhé, để Liveview không tự làm tối vì mô phỏng theo độ phơi sáng thiếu hay dư.

a7r3-2-7-9
EVF CÓ KHẢ NĂNG PHÓNG ĐẠI TRƯỚC VÀ SAU LẤY NÉT

Vì là giải pháp điện tử, nên EVF có thể di chuyển và phóng to điểm lấy nét. Lấy nét phóng đại giúp bạn thấy rõ từng sợi rêu, hay từng hạt cát của khối đá, hoặc chi tiết nhỏ thật tuyệt vời. Sau khi chụp, bạn cũng có thể dùng chức năng này để kiểm tra độ nét, tạo một cảm giản chắc chắn và an tâm. Tính chính xác, dễ dàng va nhanh chóng giúp bạn hoàn tất một góc chụp và di chuyển qua góc khác, trong khi các bạn dùng DSLR vẫn đang lọ mọ lấy nét với giới hạn của ống ngắm quang và liveview không peaking. Thêm vào đó khi dùng đèn pin (ngoại trừ đèn pin vàng cam chuyên dụng C20) thì ánh sáng trắng của đèn làm chi tiết ở điểm lấy nét sáng nhòe ra, rất khó phân biệt chi tiết nào là rõ nhất.

EVF NẰM TRONG TỐI NÊN LÚC NÀO CŨNG SÁNG TỎ HƠN LIVEVIEW

Khác với Liveview LCD nằm bên ngoài, nên khi ánh sáng bên ngoài cao thì Liveview sẽ mất đi độ tương phản nên mắt nhìn sẽ không được rõ. Ngược lại EVF nằm bên trong máy, trong 1 cái hộp đen, nên ở mọi điều kiện ánh sáng bao gồm khi Liveview không nhìn rõ thì EVF lúc nào cũng sáng và rõ.

PEAKING LÀ HIỂN THỊ KHUẾCH ĐẠI ĐIỂM CÓ NÉT

Chi tiết trong ảnh có chi tiết tối tương phản với chi tiết sáng. Peaking hiện lên những đốm sáng (có thể lựa chọn màu Vàng, Đỏ hay Trắng) ở những cạnh có độ tương phản cao nhất (tương phản càng cao, càng bén là càng có độ nét cao nhất). Khi lấy nét với peaking, bạn không cần phải xem độ nét của chi tiết vì nó quá nhỏ, mà chỉ cần xem sự hiển thị của cả chùm đốm sáng lớn, khi xoay tay lấy nét, chổ nào chùm sáng hiện cao nhất là chổ đó nét nhất. Điều này cực kỳ dễ dàng khi mắt bạn đã yếu (tuổi già hay cận thị) hoặc điều kiện ánh sáng yếu (bình minh, hoàng hôn) hay trời có sương mù làm mờ điểm cần lấy nét đi (tìm cái ít mờ trong cái nhiều mờ).

Từ ngày có EVF + PEAKING mình không còn khó khăn lấy nét chính xác nữa, nhất là khi chụp cảnh sương mù hay mây luồn ở Dalat hay Sapa….Chức năng quan trọng này giúp giải quyết vấn đề lấy nét chính xác. Trong quá trình hướng dẫn và tư vấn cho các anh chị em chơi nhiếp ảnh phong cảnh trong nhiều năm qua, thì một lỗi thường gắp nhất khi ảnh không rõ nét là do lấy nét sai, không chính xác, cũng do những vấn đề nêu trên, khi không có EVF + PEAKING của các máy DSLR như Nikon và Canon ở hiện tại.

SONY A7R III CÓ EVF + PEAKING TRUNG THỰC VÀ TỰ NHIÊN

Ngoài những lợi thế đã mêu tả trên như độ chính xác, khả năng phóng đại, tự động mở khẫu làm sáng và có thể nhìn rõ trong mọi tình huống ánh sáng, thì ống ngắm điện tử EVF mới trên Sony a7r III đã được nâng cấp với chất lượng ảnh rất cao. Độ phân giải của EVF a7r III là 3,686K-dot với công nghệ siêu sáng Quad VGA OLED phủ hết 100% tầm nhìn như khung ảnh được chụp và có độ khuyếch đại quang học 0.78x lần. Với EVF mới này, khung cảnh qua ống ngắm hoàn toàn trung thực và rõ nét. Ngoài ra chất lượng ảnh của EVF cao hơn LCD Liveview bên ngoài, nên mình lúc nào cũng dùng EVF để lấy nét, kiểm tra nét và để duyệt lại ảnh sau những buổi chụp.

EVF phân giải cao, sáng và trung thực mới của Sony a7r III

EVF phân giải cao, sáng và trung thực mới của Sony a7r III

VỀ ẢNH COVER VÀ THIẾT BỊ DÙNG

Ảnh cover và trong bài được chụp ở Hokkaido Japan vào đầu tháng 3 2018 vừa qua. Đây là loạt ảnh vào mùa Đông tuyết mà mình chụp lần đầu tiên. Trong chuyến đi 5 ngày, mình đã trải qua 1 ngày mưa rất lạnh ở gần 0°C, 3 lần tuyết rơi tầm -7°C, 1 ngày bão tuyết gió mạnh đến 50km/h, và 1 ngày rất lạnh đến -15°C. Trong những điều kiện khắc nghiệt này, mình mang theo duy nhất chỉ 1 body Sony a7r3, chụp 2 ảnh trên với Sony 24-70mm GM. Máy Sony a7r3 đã hoạt động hoàn hảo qua hết những ngày mưa, tuyết và bão tuyết của miền đảo cực Bắc của Nhật Bản này. Một điều ngạc nhiên khác là dưới nhiệt độ -15°C mà pin Sony vẫn hoạt động tốt, không có dấu hiệu giảm pin mà mình có thể nhận ra được.

Chân máy phong cảnh AndreLuu L63 vững không rung khi phơi trong điều kiện có sóng.
Đèn pin vàng cam AndreLuu C20 đeo trán chiếu nhẹ vào vùng tốt nhất./.

Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp