Sóng rất đẹp và đồng thời cũng rất nguy hiểm, hãy tôn trọng sóng và đừng bao giờ vượt quá giới hạn. Andre Luu
Mình đã đi khám phá bờ biển rất nhiều năm và đã trải qua nhiều nguy hiểm, mỗi lần như thế mình đúc kết lại thành những kinh nghiệm từ bản thân và từ những người chung quanh. Trong bài BÍ QUYẾT CHỤP HANG RÁI – VĨNH HY mình đã có một mục cảnh báo về sự nguy hiểm khi chụp sóng tuy là đến thời điểm đó vẫn chưa có tại nạn nào đáng tiếc xảy ra. Đến nay thì đã xảy ra một tại nạn gây tử vong ở khu vực Hang Rái này. Vì thế các bạn đam mê chụp ảnh, cho dù ở vùng biển nào, cũng tuyệt đối không nên xem thường những quy tắc an toàn sau.
Sau đây là 7 quy tắc an toàn có khả năng tránh được tai nạn đáng tiếc khi bạn chụp biển, đặc biệt là ở thời điểm có sóng lớn và ở những nơi trơn trợt, nhiều gành đá dễ bị trượt ngã. Ngoài ra, tuân thủ 7 quy tắc sau còn giúp bạn tránh thương tích và giữ gìn các thiết bị máy ảnh đắt tiền của bạn.
1. XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ VÀ CƯỜNG ĐỘ CỦA SÓNG TRƯỚC KHI CHỌN VỊ TRÍ ĐỨNG
Trước khi chọn cho mình một chổ đứng để chụp, thì bạn phải đến điểm chụp ở vị trí xa và cao an toàn nhất để quan sát ít nhất 15 phút trước khi xác định vị trí nào an toàn để chụp. Sóng biển không phải lúc nào cũng đều, mà nó có thể có những cơn sóng bất thường to hơn các cơn sóng khác nên bạn phải cần biết những cơn sóng này to nhất là ở mức nào, nó đánh đến đâu. Bạn chỉ nên đứng ở vị trí mà sóng không đánh đến trong vòng ít nhất là 15 phút đó.
Một điều dễ nhận ra là đá chổ nào đá ướt là chổ đó sóng đánh đến, lưu ý tránh chổ đó.
Sóng càng lớn càng có khả năng có sóng lớn hơn một cách bất thường, trong trường hợp này mình thường đứng thêm 15 phút nữa để xem thực tế nơi đứng có thật sự an toàn trước khi gắn máy vào chân máy. Chân máy lúc nào cũng được dựng trước sau khi ra đến điểm đứng vì nó cũng là một cây gậy hữu dụng để bạn làm điểm tựa chống đỡ khi sóng đánh trào qua chân bạn.
2. ĐỪNG THAM – HÃY DỜI VỊ TRÍ ĐỨNG NGAY SAU DẤU HIỆU ĐẦU TIÊN
Thường trước khi một đợt sóng lớn nhất xuất hiện thì trước đó sẽ có một vài đợt sóng lớn dần. Ngay khi thấy có hiện tượng sóng lớn đầu tiên, đủ để văng nước trúng bạn, thì bạn nên di chuyển vị trí đứng cao hơn và xa hơn để đảm bảo an toàn. Nguyên do chính là thời tiết có thể thay đổi nhanh chóng như khi:
- Trời bắt đầu mưa cho dù mưa phùng hay mưa lâm râm hoặc
- Gió bắt đầu thổi mạnh hơn hoặc
- Đơn giản là sóng mạnh hơn.
3. KHÔNG NÊN GẦN SÓNG LÚC THỦY TRIỀU ĐANG LÊN
Thủy triều đang lớn dần thì hiệu ứng sóng sẽ mạnh hơn vì nước đang dân cao hơn so với vị trí bạn đang đứng và điều đó rất nguy hiểm. Ngược lại thủy triều đang cạn dần sẽ làm hiệu ứng sóng yếu dần đi vì khoảnh cách giữa sóng và bạn sẽ xa dần.
Trên iPhone/IOS mình dùng app Ayetides, app này cho biết khi nào nước lớn và nước ròng cùng với giờ mặt trời/ mặt trăng mọc/ lặn từng ngày. Để tìm cho các hệ điều hành khác thì bạn google “tide chart”, “tide android app”, “tide fishing”…..Các app và sơ đồ thủy triều này sẽ giúp bạn biết chính xác ngày nào nước sẽ cạn.
4. KHÔNG NÊN GẦN SÓNG LÚC TRỜI TỐI DẦN NHƯ LÚC HOÀNG HÔN
Khi trời tối dần như lúc hoàng hôn thì bạn sẽ đối mặt với nguy hiểm về mọi mặt, không thấy được sóng từ xa, không thấy rõ đường đi trên đã nên dễ bị trượt ngã và di chuyển rất chậm. Ngược lại, khi trời sáng dần như lúc bình minh thi khả năng nhìn thấy rõ địa hình để linh hoạt xoay xở di chuyển dễ dàng hơn. Ngoài ra bạn có thể thấy được cơn sóng lớn bất thường đang đi về phía bạn, lúc đó bạn vẫn có ít nhất 5 giây để chạy vào tránh xa bờ hoặc/ và cao hơn để vào vị trí an toàn.
5. KHÔNG NÊN GẦN SÓNG KHI KHÔNG CÓ THIẾT BỊ AN TOÀN
GIẦY CHỐNG TRƯỢT Bạn cần có loại giầy có đế gai để bám tốt trên đá ướt và có rêu trơn. Các loại dép rất dễ bị tuột ra khỏi bàn chân và bị đá bén nhọn cắt. Sau khi bị sóng đánh ngã, nếu dép tuột ra làm chân bị thương thì khả năng đứng dậy nhanh chóng rất khó. Nếu gặp sóng đánh dồn dập thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Sóng thường đi 1 lần 2-3 con, 1 con khá mạnh, rồi con mạnh nhất, rồi 1 con khá mạnh sau cùng.
ÁO PHAO Khi bạn không có nhiều kinh nghiệm thì mặc áo phao khi di chuyển gần nước sẽ tăng sự an toàn cho bạn. Tuy nhiên nếu bạn ỷ lại vào áo phao mà không tuân thủ các quy tắc an toàn trên thì bạn vẫn sẽ đối mặt với nguy hiểm. Áo phao sẽ giúp bạn nổi trên nước, nhưng nó không thể ngăn được sóng biển xô bạn bạn va đập vào đá sau khi bị sóng đánh ngã.
6. TIN VÀO LINH CẢM HAY CẢM GIÁC SỢ CỦA BẠN
Người cũng như nhiều loài động vật có khả năng cảm giác được nguy hiểm sắp xảy ra. Nếu bạn cảm giác thấy sợ hoặc có linh cảm không tốt khi bạn ở gần sóng thì bạn hãy tin vào linh cảm hay cảm giác đó và lập tức di chuyển vào vị trí xa hoặc cao hơn và an toàn hơn.
7. KHÔNG ĐI MỘT MÌNH
Lúc nào cũng nên đi với ít nhất một người để khi có tai nạn xảy ra thi có người giúp đỡ hỗ trợ đúng lúc. Sự an nguy của bạn lệ thuộc vào tầm 7 giây đầu tiên sau khi bạn bị ngã. Người bạn bên cạnh bạn chỉ cần bắt lấy tay bạn, giúp bạn đứng lên, thì bạn sẽ được an toàn một cách dễ dàng. Nhiều bạn cạnh bên thì có càng nhiều sự hỗ trợ kịp thời và càng dễ phán đoán ra tình trạng nguy hiểm sắp đến.
Khi bạn có một mình, thì sau khi bị trượt ngã hay bị sóng xô ngã thì bạn đang loay hoay chựa kịp đứng dậy thì đã bị con sóng thứ 2 dập tới, khiến tình trạng của bạn càng nguy hiểm hơn. Khi bạn một mình, không ai thông báo khi thấy được một cơn sóng lớn sắp vào từ xa, hoặc không ai nhắc nhỡ động viên bạn phải di chuyển ra khỏi nơi có khả năng nguy hiểm đến bạn. Nếu người bạn đồng hành không biết hay không tuân thủ các quy tắc trên thì bạn hãy là người thông báo, hay là người khuyên để đề phòng tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
THÊM KINH NGHIỆM TỪ CÁC ANH CHỊ EM KHÁC
- Chú ý người đeo balo di chuyển gần bạn, khi người ấy xoay mình, balo có thể va vào bạn làm bạn trượt ngã.
- Không quay lưng lại với biển lâu hơn vài giây để lúc nào cũng thấy được biển./.
Chúc các bạn có những chuyến đi an toàn!
Tham khảo thêm:
BÍ QUYẾT CHỤP SÓNG CHUYỂN ĐỘNG
NHỮNG GÓC ẢNH TỪ VĨNH HY
Chân thành cảm ơn các bạn. Bây giờ bạn có thể liên lạc với mình để lấy GPS/Google Map :)
Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.
Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa