HỌC NHIẾP ẢNH

BÍ QUYẾT CHỤP HANG RÁI – VĨNH HY

Tham khảo thêm:
BÍ QUYẾT CHỤP SÓNG CHUYỂN ĐỘNG
NHỮNG GÓC ẢNH TỪ VĨNH HY

Nhiều bạn yêu nhiếp ảnh và NAG từ nhiều nơi khác đến Hang Rái để sáng tác, mà không đến được đúng lúc Hang Rái đẹp nhất. Nên mình viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm và cách tính toán ngày và thời khắc tối ưu nhất, để giúp các bạn chụp được nhiều bức ảnh ưng ý nhất.

MÙA SÓNG VĨNH HY

Để có sóng thì biển phải động, mùa biển động ở Vĩnh Hy có thể đến sớm hay trể tùy năm, nhưng khoảng từ tháng 11 đến tháng 2 là biển động. Đây là mùa để chụp sóng tốt nhất.

BÌNH MINH NƯỚC CẠN

Góc chụp đẹp nhất là bàn thạch (ảnh cover). Nước cạn sẽ làm lộ bàn thạch ra và kết hợp với sóng lớn sẽ tạo ra cảnh nước trào qua bàn thạch tuyệt đẹp. Nguyên tắc chung là nước càng cạn, sóng càng to thì “thác biển” càng cao, càng đẹp. Hướng chụp bàn thạch nằm gần hướng Đông nên nếu bạn canh được sự kiện này xảy ra đúng lúc bình minh thì bạn thu tóm được cả ráng màu và mặt trời mọc sặc sỡ khi trời hừng sáng.

F8, tốc độ 5 giây, ISO 100 Custom WB 4050K.

5s f/8 ISO 100 WB 4050K. Nikon D800E + Nikon 16-35 f/4 @16mm.

HOÀNG HÔN NƯỚC CẠN

Tương tự như bình minh, khi hoàng hôn mặt trời lặn sẽ lệch qua phải về hướng gần sau nên không lấy được mặt trời và ráng đẹp. Tuy nhiên trời vẫn có sắc màu đẹp hơn những lúc khác ngoài bình minh, và đôi khi có ráng mọc ngược rất đẹp. Tuy nhiên lúc hoàng hôn chụp xong là trời tối nên việc di chuyển ra khỏi điểm chụp khó khăn và nguy hiểm hơn.

TÍNH TRƯỚC NƯỚC CẠN VỚI SƠ ĐỒ THỦY TRIỀU

Trên iPhone/IOS mình dùng app Ayetides, app này cho biết khi nào nước lớn và nước ròng cùng với giờ mặt trời/ trăng mọc lặn từng ngày. Để tìm cho các hệ điều hành khác thì bạn google “tide chart”, “tide android app”, “tide fishing”…..Các app và sơ đồ thủy triều này sẽ giúp bạn biết chính xác ngày nào nước sẽ cạn. Bạn nên chọn bình minh hay hoàng hôn mà có nước cạn dần trong thời gian bạn chụp để được an toàn nhất, vì trong lúc bạn chú tâm chụp thì sóng sẽ yếu dần hay thấp dần theo thủy triều.

SÓNG NGOÀI MÙA

Ngoài mùa biển động, Vĩnh Hy cũng có lúc có sóng, đó là khi có bão hay áp thấp nhiệt đới. Tâm bão càng gần khu vực Vĩnh Hy thì sóng càng mạnh, tuy nhiên bạn không muốn sóng mạnh quá vì sóng sẽ đánh mạnh và qua luôn những chổ đứng nên không thể chụp một cách an toàn.

BÍ QUYẾT GIỮ AN TOÀN CHO BẢN THÂN VÀ THIẾT BỊ

BẢO VỆ NGƯỜI
Bạn nên đến sớm ít nhất là 15 phút trước thời gian dự định, tức là ít nhất 1 tiếng trước mặt trời mọc để có thể quan sát từ trên cao và xem mức sóng lớn nhất trong vòng 15 phút đánh đến đâu, và thủy triều đang lên hay đang xuống, để dự phòng điểm đứng và đặt máy cho an toàn. Vượt quá giới hạn này thì tính mạng của bạn sẽ bị đe dọa. Tuy chưa có trường hợp tử vong ở nơi này, nhưng đã có nhiều tai nạn xây xát đổ máu và thiết bị bị đánh hay rơi xuống nước biển và hư toàn bộ.

BẢO VỆ THIẾT BỊ
Thiết bị nên đặt trong ba lô hay túi sách loại chuyên dụng chống nước, mình dùng ba lô có thùng nhựa kín nước hoàn toàn kể cả khi chìm, để khi sóng mạnh trào qua ba lô thì không làm hỏng thiết bị. Máy đang chụp cần dùng túi nylon, hay áo mưa dành cho máy ảnh phủ trùm qua máy và lens để phòng nước và sương biển đánh văn trúng vào.

LAU NƯỚC BIỂN
Mang theo nhiều khăn hút nước để lau sạch nước cho filter, bên ngoài máy và lau tay cho khô để chống trơn trợt và khắc phục tình huống kịp thời. Filter sau khi bị dính nước biển phải lau bằng dung dịch lau lens chuyên dụng, hoặc lau bằng cồn (alcohol) y tế tinh khiết, hoặc được rữa thật nhiều nước suối thì mới hết được muối. Một số filter tròn có phủ nhiều lớp nano không thể lau bằng dung dịch thường vì càng lau nó sẽ bị càng mờ, nên bạn cần một loại nước lau có dầu chuyên dụng cho loại này.

THIẾT BỊ THÍCH HỢP

Ngoài những thiết bị phong cảnh bình thường như chân máy, dây bấm/ remote và filter phong cảnh thì tiêu cự lens ảnh hưởng rất nhiều đến góc chụp của bạn.

TIÊU CỰ 12 ĐẾN 21MM (FF) LÀ TỐI ƯU
Tiêu cự 20-21mm
Cho phép bạn đến gần và lấy được đúng khúc/ đoạn đẹp nhất của bàn thạch. Nếu dùng tiêu cự dài hơn thì bạn phải đứng xa ra và cao hơn nên góc chụp sẽ không lấy được mây đẹp trên trời.

Thác Biển (RISING):  Chủ thể là tản đá có sóng trào qua, một chi tiết nổi bật, thú vị và đẹp. 1 giây ISO 50 f/11, 20mm.

Thác Biển (RISING): Chủ thể là tản đá có sóng trào qua, một chi tiết nổi bật, thú vị và đẹp. 1 giây ISO 50 f/11, 20mm.

Tiêu cự 15-16mm
Rộng hơn nên thích hợp khi trời có mây cao, tuy nhiên bàn thạch sẽ nhỏ hơn và hiệu ứng mạnh mẽ của sóng trào sẽ yếu hơn.

0.8s f/8 ISO 50 WB 7100K. Sony a7rII + Voigtlander 15 v3 (Phiên bản Mod Andre Luu) + Gnd 3 Rev, ND 6.

0.8s f/8 ISO 50 WB 7100K. Sony a7rII + Voigtlander 15 v3 (Phiên bản Mod Andre Luu) + Gnd 3 Rev, ND 6.

Tiêu cự 12mm
Dùng để tiến gần nhất, nên cũng nguy hiểm nhất. Chụp gần đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm đứng trên đá trơn, biết ứng phó và bảo vệ máy cũng như thân thể của bạn trong môi trường sóng biển trở nên mạnh hơn một cách đột ngột.

1.3s f/11 ISO 250 WB 6800K. Sony a7rII + Voigtlander 15 (Phiên bản Mod Andre Luu) + Gnd 3 Rev, ND 10.

1.3s f/11 ISO 250 WB 6800K. Sony a7rII + Voigtlander 12 v2 (Phiên bản Mod Andre Luu) + Gnd 3 Rev, ND 10.

NGÀY GIỜ TỐT ĐỂ SĂN ẢNH

Từ khi giới thiệu Hang Rái từ năm 2013 với bức ảnh Thác Biển (RISING), đến nay Hang Rái đã trỡ thành một điểm du lịch yêu thích của các bạn yêu nhiếp ảnh, đặc biệt là các dịch vụ nhiếp ảnh cưới. Vì thế Hang Rái có rất nhiều du khách viếng thăm vào cuối tuần và những ngày biển êm sóng nhẹ.

Bạn nên đến Hang Rái vào những ngày thường, và đặc biệt là những ngày mưa bão và những ngày có sóng lớn. Vì những ngày này sẽ có xác suất cao là sẽ ít hoặc không có du khách và dịch vụ đến để chụp ảnh. Ngoài ra bạn nên đến sớm ít nhất là 1 giờ trước khi mặt trời mọc để chọn được vị trí đứng như ý cho góc ảnh và bố cục bạn cần.

Chúc bạn thành công với nhiều bức ảnh đẹp.

Tham khảo thêm:
BÍ QUYẾT CHỤP SÓNG CHUYỂN ĐỘNG
NHỮNG GÓC ẢNH TỪ VĨNH HY

Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp