ĐẾN VỚI MIỀN NÚI, TA TÌM CÂY ĐỘC MỘC
Cái khó nhất trong nhiếp ảnh phong cảnh là làm sao chọn ra góc ảnh đẹp để chụp vì lắm lúc đi lòng vòng trong khu vực chụp, ta thường thấy gì chụp đấy mà không biết mình đang chụp gì và vì sao mình chọn chụp nó. Để giúp bạn đơn giản hoá quy trình đi tìm góc đẹp, mình muốn giới thiệu với bạn một trong những chủ thể đơn giản nhất và dễ nhận ra nhất ở miền núi là cây độc mộc. Trong những bài sau mình sẽ chia sẻ thêm những loại chủ thể khác.Cây độc mộc là cây mọc riêng lẽ một mình nên chung quanh có khoảng trống cách ly, nên mình rất dễ đưa cây độc mộc vào bố cục vì khung cảnh vốn đã rất đơn giản. Sau đây là một số tiêu chuẩn để chọn cây độc mộc.
Cây độc mộc phải có dáng đẹp Cây có thể có lá hay cây khô, nhưng dáng cây phải đẹp, có hình thù cân đối, hay có nét thú vị.
Cây độc mộc phải có yếu tố tách rời Nhiều lúc ta tìm được cây độc mộc có dáng đẹp nhưng tiền cảnh bị che, hay hậu cảnh làm chìm cây đi (ví dụ núi xanh làm chìm cây xanh). Để được tách rời, trong khung ảnh phải không được có tiền cảnh nào che cây hoặc làm phá hư bố cục của cây đi. Nếu hậu cảnh núi bị trùng vào cây, thì phải có màu khác cây để cây có thể nổi bật ra không bị dính vào phông núi (ví dụ cây trắng nổi trên núi đen hoặc cây xanh tươi có nắng nằm trên phong núi không có nắng thành bóng đen).
Cây độc mộc này bị dính vào núi, nên mình chờ khói để tách nó ra, nhưng không tách được hết, nên bố cục vì thế mà bị yếu đi.
Cây độc mộc phải kết hợp được với đường dẫn hay các yếu tố khác để tăng vẻ đẹp của khung cảnh Khi tìm được cây độc mộc có 2 yếu tố trên thì phần còn lại ta đi chung quanh cây để xem có canh cây để kết hợp được với đường dẫn vào cây hay không, đường dẫn có thể là sườn núi, dòng suối hay sông hay đường mòn, mô đất….có thể cảnh dẫn vào thân cây.
Cây độc mộc này có bờ đê dẫn vào và kết hợp được với cụm mây trắng trên trời.
Cây độc mộc này có bờ đê dẫn vào và kết hợp được với mặt trời lặn.
Trong ảnh Cover trên sườn núi 2 bên dẫn vào cây ở cái eo, đồng thời mô đất phản chiếu trên nước cũng dẫn vào cây. Nước và trời làm tách rời 2 đường dẫn nêu trên càng làm khung cảnh có đường nét rõ ràng.
THIẾT BỊ QUAN TRỌNG
1. Hitech Filter 3 khẩu mềm + Formatt HD Glass 8 khẩu + AndreLuu 150 Holder Do tiền cảnh là nước phản chiếu cả bầu trời, nên mình dùng 3 khẩu mềm để cho sự chuyển tiếp từ trời xuống nước thật nhẹ nhàng và tự nhiên. HD Glass ND 8 khẩu cho phép phơi lâu để xóa tan những chuyển động lăn tăn trên mặt nước để tạo một tấm gương yên phăng phắc. Andreluu 150 holder cho phép dùng ND filter cao cấp trong ngành điện ảnh và kéo lên, xuống có khớp giúp thao tác nhanh chóng và an toàn mỗi khi lấy nét, canh bố cục và chuyển đổi góc chụp.2. Chân máy và Remote Chân máy được ghim xuống đáy nước để chụp mà không chạm vào máy không làm máy rung và làm nhoè đi chi tiết của ảnh.
THÔNG SỐ
Tốc độ 30 Giây, F/11, ISO 50, Custom White Balance 4800K, tiêu cự 18mm.Lấy nét ở thân cây độc mộc vì trời có sương mù nên cây phải nét nhất có thể mới nổi bật ra, và vì ở phía trước không có tiền cảnh thú vị nên không dùng cách lấy nét tối ưu trong trường hợp này. WB 4800K để cho ảnh có màu xanh thích hợp cho mây mù tạo không gian lạnh lẽo tĩnh mịch.
ĐỊA ĐIỂM
Ngõ rẽ trên đường suối vào Tam Cốc Bích Động, Ninh Bình trước khi qua hang động thứ nhất.ĐỘ PHƠI SÁNG
Dùng ISO 50, f11 và chế độ A (aperture) để xem ánh sáng tự động đo trong máy là bao nhiêu, nếu không đủ ánh sáng thì tạm thời tăng ISO từ 100 lên 6400 để tính, ghi nhớ vận tốc đó, rồi chuyển qua chế độ M, thiết lập lại vận tốc đó, chụp thử, xem Histogram, điều chỉnh vận tốc cho Histogram vừa đụng cạnh phải. Rồi bắt đầu hạ ISO xuống đúng ISO ban đầu để không phải chờ lâu khi chụp thử và tất nhiên phải tăng tốc độ chụp để điều chỉnh cho 6 khẩu khi tăng ISO.Tham khảo CÁCH TỐI ƯU HÓA ĐỘ PHƠI SÁNG VỚI HISTOGRAM