ĐỊA ĐIỂM

MÂY HỒNG SAU CHÚT MƯA

CÁCH CHỌN TIỀN CẢNH CHO HỢP VỚI HÌNH DẠNG CỦA MÂY
Canh bố cục là nghệ thuật sắp xếp các yếu tố trong khung ảnh để đạt được hình học đẹp nhất có thể như ý mình muốn thể hiện. Hôm trước đó Kê Gà có mưa giông và hôm sau cũng vẫn còn mưa giông nhưng ở xa, bình minh hôm ấy có ráng mây ửng hồng rất đẹp.

KẾT HỢP ĐÁ VỚI MÂY ĐỂ TẠO THÀNH CHỮ S
Mình đến bãi chụp khi trời còn tối, lúc đó mình đã thấy một đám mây trắng nằm riêng biệt trên bầu trời, đủ cao để ôm lấy hòn núi đảo có ngọn hải đăng. Áp dụng kiến thức di dời các yếu tố trong khung ảnh với bài 8 CÂY CỌ CỦA NHIẾP ẢNH GIA, mình vừa di chuyển qua lại để ngắm xem có cụm đá nào có thể kết hợp được với mây để tạo ra một hình học rõ ràng không. Sau một hồi di chuyển từ đầu này đến đầu kia của bãi đá, cuối cùng mình tìm được khối đá này có thể kết hợp được với mây tạo thành chữ S ôm lấy hòn đảo có ngọn hải đăng.

TÁCH RỜI CÁC KHỐI ĐÁ VỚI NHAU VỚI NÂNG GÓC MÁY
Ở vị trí máy bình thường khi ngồi trên đá thì các khối đá trước mặt từ tiền cảnh đến trung cảnh sẽ bị dính với nhau, vì thế mình kéo chân máy ra nâng cho máy cao ngang đầu và leo lên phần cao nhất của tảng đá mình đang đứng để làm cho các khối đá trong khung ảnh tách rời ra từng khối riêng biệt trên mặt nước, làm cho bố cục tổng thể có nhịp điệu và đơn giản hơn. Khối đá nghiêng ở tiền cảnh cũng là đường dẫn chĩa vào ngọn hải đăng.

RÚT KINH NGHIỆM CHO LẦN SAU
Mực nước thuỷ triều ở tại thời điểm chụp rất quan trọng, vì nó cho phép hoặc hạn chế sự chìm nổi của đá và khả năng của NAG di chuyển trên đá để chọn ra góc chụp. Do lần đầu ra vị trí này với mực nước này nên mình phải dùng zoom để có thể thay đổi tiêu cự nhanh chóng và chụp cho kịp khoảnh khắc. Khi đã biết được tiêu cự tối ưu thì khoảnh khắc đã đến đỉnh, không cho phép thay đổi lens vì sẽ đánh mất khoảnh khắc ấy. Các bạn thấy rằng 7 phút sau mây sẽ hết đỏ mà có màu vàng, không nổi bật bằng. (xem hình II ở dưới)

ẢNH CÙNG SERIES CHỤP SAU 7 PHÚT

Tốc độ 60 giây, f/11, ISO 100, WB 5650K. Sony a7r + Sony 16-35 f/4 @ 16mm (II)

Tốc độ 60 giây, f/11, ISO 100, WB 5650K. Sony a7r + Sony 16-35 f/4 @ 16mm (II)

SỰ LỰA CHỌN TIÊU CỰ KHÁC
Ở góc máy này, 16mm góc đã hơi chật, mà lens Sony 16-35 f/4 FE tại 16mm bị méo rất nhiều, làm cho cột hải đăng bị nghiên ra ngoài, nên cần phải làm thẳng lại trong Lightroom (Lens Corrections > Manual > Vertical). Điều đó làm ảnh bị bóp nhỏ lại ở đầu trên nên phải crop ảnh nhỏ thêm nữa làm cho view 16mm nhỏ lại thành tương đương với view 18mm. Nên mới bị chật như trong ảnh hiện tại. Lần sau mình sẽ dùng lens Voigtlander 15mm vì nó sẽ cho phép chụp rộng hơn, cho khoản cách biên thoáng hơn hiện tại. Lens này nét ngay ở f8 và gần như không bị méo, nên sau khi điều chỉnh Vertical thì góc ảnh sẽ vẫn rộng hơn nhiều so với lens zoom.

THIẾT BỊ QUAN TRỌNG
1. Filter 3-Stop Reverse để cân sáng (che bớt) phần trời làm cho mây nổi khối và lên hết màu đỏ cam của ráng. Filter ND 5-stop cho phép phơi sáng lâu 30 giây (hình cover) và 60 giây (hình II) làm mờ các gợn sóng tạo cho mặt biển mịn màng như lụa, làm cái phông để làm nổi những tảng đá sần sùi (sần sùi trên phông mịn).

2. Chân máy và Remote để chụp mà không chạm vào máy không làm máy rung và làm nhoè đi chi tiết của ảnh.

THÔNG SỐ
Tốc độ 30 giây, F/11, ISO 100, Custom White Balance 5650K, tiêu cự 16mm. Sony A7R với lens Sony 16-35 f/4 @ 16mm.

Lấy nét ở tảng đá phía trước ở khoảng cách 1.6m theo Cách Lấy Nét Tối Ưu dùng live view phóng ra to nhất với sự hỗ trợ của chức năng peaking. F/8 là khẩu độ nét nhất cho ống kính mình đang xài và đồng thời cũng cho mình trường ảnh sâu.

ĐỊA ĐIỂM
Bãi đá đối diện Hải đăng Kê Gà, Bình Thuận.

ĐỘ PHƠI SÁNG
Dùng ISO 100, f8 và chế độ A (aperture) để xem ánh sáng tự động đo trong máy là bao nhiêu, nếu không đủ ánh sáng thì tạm thời tăng ISO lên 6400 để tính, ghi nhớ vận tốc đó, rồi chuyển qua chế độ M, thiết lập lại vận tốc đó, chụp thử, xem Histogram, điều chỉnh vận tốc cho Histogram vừa đụng cạnh phải. Rồi bắt đầu hạ ISO xuống đúng ISO ban đầu để không phải chờ lâu khi chụp thử.

Tham khảo: CÁCH TỐI ƯU HÓA ĐỘ PHƠI SÁNG VỚI HISTOGRAM

HẬU KỲ LIGHTROOM 5
Chụp file Raw, chọn 14 bit và Adobe RGB cho dãy sắc độ và dãy màu nhiều tối đa. Cân chỉnh ánh sáng cho khu vực dùng Grad ND, và Brush để giới hạn chỉ ở vùng cần xử lý. Cân chỉnh màu dùng White Balance và Tint trong Grad ND, và Brush cho từng khu vực để hạn chế ảnh hưởng đến từng vùng cần thiết.

Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp