ĐỊA ĐIỂM

THẦN THOẠI HANG HEO

CÁCH KHẮC PHỤC ÁNH SÁNG KHÓ

Khi vùng trời bị che cao với cấu trúc nhấp nhô phức tạp, cùng với vùng sáng và vùng tối có sự chênh lêch về độ sáng cao mà vùng tối có nhiều chi tiết quan trọng cần làm sáng thì đây là một tình huống ánh sáng cực kỳ khó trong nhiếp ảnh phong cảnh. Sau đây là những khó khăn và cách khắc phục.

KHÔNG THỂ DÙNG FILTER GRAD ND ĐỂ CÂN SÁNG

Trong cảnh này, vách đá nhấp nhô với đỉnh cao nên không thể dùng Grad ND filter loại Hard hay Reverse vì nó sẽ làm nữa phần trên đen và nữa phần dưới sáng. Grad ND mềm cũng không thể dùng vì vách đá quá cao nên cũng làm nữa sáng nữa tối tuy ít hơn trường hợp filter Hard và Reverse như nêu trên. Hơn nữa mặt trời mọc ngay cạnh bên tạo sự tương phản quá cao cho filter mềm, không đủ để ngăn mặt trời. Vì thế toàn bộ các loại Grad ND filter vô dụng trong cảnh như thế này.

GIẢI PHÁP: TỐI ƯU ĐỘ PHƠI SÁNG VÀ NÂNG SÁNG VÙNG TỐI
Như trong bài CÁCH CHỤP ẢNH MỊN MÀNG KHÔNG NOISE, vùng tối chứa rất ít sắc độ so với vùng sáng, nên tối ưu vùng sáng bạn sẽ có chất lượng ảnh cao hơn, và đồng thời nếu vùng sáng bị cháy thì nó sẽ bị trắng xoá không còn sắc độ chuyển tiếp mịn màng. Nên bạn cần phải TỐI ƯU ĐỘ PHƠI SÁNG VỚI HISTOGRAM cho máy của bạn.

Sau khi bạn đã có một file ảnh tối ưu, thì trong phần xử lý hậu kỳ (ví dụ bằng phần mềm Lightroom) thì bạn có thể nâng làm sáng vùng tối lên. Nhưng làm thế thì vùng tối sẽ bị Noise (nhiễu hạt), để hạn chế Noise thì bạn có thể kết hợp những giải pháp sau:

DÙNG MÁY ẢNH VỚI DYNAMIC RANGE CAO

Máy mình dùng để chụp ảnh này là Sony a7R với Dynamic Range là 14.1 EV nằm trong top những máy có Dynamic Range cao nhất hiện nay. Để xem Dynamic Range cho máy bạn, tham khảo BẢNG XẾP HẠNG CHẤT LƯỢNG CẢM BIẾN (SENSOR) MÁY ẢNH Ở DXOMARK.COM

XỬ LÝ NÂNG SÁNG VÙNG TỐI MỘT CÁCH TỐI THIỂU

Khi xử lý hậu kỳ, bắt đầu từ thông số ít nhất và nâng từ từ lên cho đến khi thấy được chi tiết vừa đủ mà bạn cần cho ảnh, nâng sáng càng nhiều thì vùng tối sẽ càng bị nhiều Noise, làm chi tiết không được rõ nét. Trong Lightroom, những công cụ nêu sau ảnh hưởng đến Noise và chất lượng ảnh, nên bạn cần thận trọng khi dùng những công cụ này.

  • Shadow: Nâng sáng shadow ảnh hưởng trực tiếp đến noise, nâng càng nhiều vùng bị nâng càng nhiều Noise.
  • White Balance: Màu ấm như vàng có sắc độ sáng hơn là màu lạnh như xanh dương, vì thế vùng tối nên hạn chế đổi qua màu ấm hơn vì nó cũng đồng thời làm sáng và tăng noise.
  • Sharpening và clarity: Làm tăng độ nét và độ rõ nên nó giúp cho noise hiện rõ hơn.
  • Noise Reduction: Bạn có thể dùng chức năng giảm noise nhưng giảm noise là làm cho ảnh mờ đi, theo kinh nghiệm của mình thì nó làm cho ảnh không đẹp nên mình không bao giờ dùng chức năng này cho ảnh phong cảnh.

KHÔNG THỂ CHỤP NHIỀU TẤM HDR HAY EXPOSURE BLENDING

MUỐN NƯỚC MỊN MÀNG NÊN PHƠI LÂU

Nên phải phơi lâu 60 giây xoá mờ sóng biển tạo một mặt biển mịn màng với filter ND 10 stop. Chụp ghép nhiều tấm sẽ đánh mất khoảnh khắc đẹp khi mặt trời vừa lên qua núi vì mỗi tấm sẽ là 1 phút quá lâu. Vì thế chụp một tấm sẽ dễ bắt được khoảnh khắc đẹp hơn là chụp nhiều tấm để ghép lại thành 1 tấm cho mục đích phơi lâu này.

TIA XẸT CỦA SUNSTAR DÀI XUYÊN QUA VÙNG TỐI

Trời mù mù nên mặt trời khó xẹt tia, nên mình dùng ống Sony 16-35 f4 FE với đặc tính tia xẹt vừa bén và dài rất dễ xẹt tia ngay trong điều kiện trời mù. Trong điều kiện trời trong thì tia này sẽ rất xấu vì nó quá dài, nhưng trong trời mù tia sẽ rất nhẹ nhàng vừa đủ để tạo hiệu ứng tia mà không làm phá hư bố cục. Mình chọn khẩu f/18 để tạo sunstar tốt nhất cho ống kính này. Nếu trời trong hơn mình sẽ dùng ống kính tạo tia ngắn 10 cánh tuyệt đẹp của Voigtlander.

Vì tia dài nên tia sẽ chiếu qua vùng tối, vì thế nếu ghép nhiều tấm thì vùng tối sẽ không giữ được tia mặt trời vì một tấm khác sáng hơn chồng lên sẽ bị mất tia xẹt.

Tốc độ 60 giây, f/18, ISO 100, WB 5200K. Sony a7r + Sony 16-35 f4 @ 16mm.

Tốc độ 60 giây, f/18, ISO 100, WB 5200K. Sony a7r + Sony 16-35 f4 @ 16mm.

Tóm lại đây là một trong những ảnh khó thực hiện nhất mà mình đã từng gặp, và khi khắc phục được những vấn đề nêu trên thì thành quả là bạn sẽ có được một bức ảnh với góc chụp đẹp và độc đáo.

THIẾT BỊ QUAN TRỌNG

1. Filter ND 10 stop để phơi lâu làm nước mềm

2. Chân máy và Remote Chân máy giúp chống rung khi phơi. Remote để chụp mà không chạm vào máy không làm máy rung và làm nhoè đi chi tiết của ảnh.

THÔNG SỐ

Tốc độ 60 Giây, F/18, ISO 100, Custom White Balance 5400K, tiêu cự 16mm. Sony a7r + lens Sony 16-35 f4 FE. LẤY NÉT TỐI ƯU ở cục đá tròn ở tiền cảnh khoảng 1m.

ĐỊA ĐIỂM

Hang Heo, Nha Trang. Đây là một hốc đá với đường leo và đá ướt trơn khá nguy hiểm. Cảm ơn Đỗ Tuấn Ngọc đã dẫn anh đến nơi này.

HẬU KỲ LIGHTROOM 5

Chụp file Raw, chọn 14 bit và Adobe RGB cho dãy sắc độ và dãy màu nhiều tối đa. Cân chỉnh ánh sáng cho khu vực dùng Grad ND và Brush để giới hạn chỉ ở vùng cần xử lý. Cân chỉnh màu dùng White Balance, Tint trong Grad ND và Brush cho từng khu vực để hạn chế ảnh hưởng đến từng vùng cần thiết.

Mời các bạn cho ý kiến và góp ý ở phần bình luận bên dưới. Chúc các bạn chụp được nhiều ảnh đẹp.

Andre Luu (Khương)
Mobile: 0977-747-701
Facebook Profile: https://www.facebook.com/AndreLuu2
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSaigonCom/
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/LandscapeSapa

Bình luận

Bình luận

Website by Can Long Corp